Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã chốt lại 10 điểm quan trọng liên quan đến kỳ thi quốc gia 2015.
Nhiều đề xuất giữ nguyên thang điểm 10
Tại buổi “Tọa đàm Góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015” diễn ra chiều nay (22/1) tại TP.HCM, đại diện nhiều Sở GD-ĐT, trường đại học đã đề xuất duy trì thang điểm 10 như những năm trước thay vì thay thế thang điểm 20 như trong dự thảo.
Cụ thể, đại diện Sở GD-ĐT Đồng Nai đã đưa ra 3 đề xuất. Thứ nhất là nên duy trì thang điểm 10 bởi ở bậc phổ thông đang áp dụng thang điểm này. Thứ hai, nên giãn thời gian ra hết tháng 4 thay vì quy định hạn chót để thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT theo quy chế là trước 1/4. Thứ 3 là đề xuất duy trì hai cụm thi song song: cụm thi trong tỉnh và cụm thi liên tỉnh, cả hai loại cụm này đều do trường ĐH chủ trì.
Giữ thang điểm 10 cũng là ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT Đồng Tháp và thầy Trần Đức Huyên - phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Hầu hết các ý kiến đều cho rằng không nên sử dụng thang điểm 20 bởi học sinh vốn quen với thang điểm này. Nếu muốn chi tiết ta có thể chia nhỏ thang điểm từng câu chi tiết hơn.
Đề cập đến vấn đề này, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng cho rằng: việc sử dụng thang điểm 20, có nhiều ý kiến khác nhau. Việc chấm theo thang điểm 20 học sinh sẽ có lợi hơn nhưng giáo viên chấm sẽ mệt hơn và chi phí chấm thi có thể tăng lên. Do đó cần cân nhắc để chọn phương án hợp lý.
Tham gia toạ đàm, một số ý kiến còn đề cập đến vấn đề khác như: cụm thi, và quy định không được mang atlat vào phòng thi. ..
Theo PGS-TS Đồng Văn Hướng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, hai cụm thi tỉnh và liên tỉnh đề thi như nhau và do các trường ĐH chủ trì như vậy thì không nên giữ cụm thi tỉnh, chỉ có cụm thi liên tỉnh.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu nêu vấn đề: thời gian từ khi kết thúc việc đăng ký dự thi đến thời gian thi quá dài. Trong khi đó, Các trường trong thời gian này là thời gian nghỉ hè. Vậy trong thời gian nghỉ này học sinh làm gì? Đề xuất Bộ có văn bản chỉ đạo tổ chức cho học sinh ôn tập trong thời gian này.
Vị lãnh đạo này cũng đề cập đến việc trong dự thảo quy chế quy định không cho thí sinh mang atlat địa lý vào phòng thi và cho rằng với quy định này thì việc dạy cũng phải theo hướng không được mang atlat.
“Trước giờ thí sinh được mang atlat địa lý vào phòng thi nên việc dạy và học theo hướng được mang atlat, giờ không được mang nên bộ phải thông báo sớm để thầy trò thay đổi phương pháp học cho phú hợp. Thang điểm 10 sẽ tạo sự đồng thuận nhiều hơn thang điểm 20 và học sinh cũng sẽ an tâm hơn. Bộ nên sớm công bố cấu trúc đề thi cho từng môn để học sinh và giáo viên yên tâm ôn tập", đại diện Sở GD-ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “chốt” 10 điểm
Sau khi nghe ý kiến của đại diện các Sở GD-ĐT và các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận ghi nhận các ý kiến đóng góp về dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia 2015 để cân nhắc và hoàn thiện quy chế. Bộ trưởng cũng chốt lại 10 vấn đề xoay quanh kỳ thi này.
Theo Bộ trưởng Luận, tất cả thay đổi đều lấy quyền lợi, lợi ích lâu dài căn bản của học sinh làm trung tâm, tiêu chí quan trọng nhất. Sự thay đổi như vậy sẽ có sự đảo lộn trong công việc của các sở ban ngành, của các trường. Quy chế thi được giữ ổn định đến khi lớp học sinh học theo chương trình sách giáo khoa mới thi tốt nghiệp THPT. Năm 2016 có thể sẽ có thay đổi một vài chi tiết nhưng tổng thể sẽ giữ ổn định.
Đối với ý kiến về thang điểm 20, Bộ trưởng Luận cho rằng, bản chất không thay đổi, chấm rồi sẽ quy đổi và giáo viên chấm thi đúng là sẽ mệt hơn nhưng “cólẽ bộ sẽ tiếp thu và sử dụng lại thang điểm 10 để khỏi có những băn khoăn, lo lắng từ thầy cô, học sinh và phụ huynh về vấn đề này”
Về atlat địa lý, Bộ trưởng Luận cho biết, tuy không cho mang vào phòng thi nhưng những thông tin liên quan đến atlat sẽ được ghi trong đề thi chứ không bắt các em học thuộc lòng. Nhiều khả năng sẽ cho các em mang atlat vào phòng thi, khuyến khích khả năng tư duy phân tích chứ không bắt các em học thuộc lòng.
Đối với thí sinh tự do, Bộ trưởng Luận thông tin, thí sinh đăng ký dự thi ở đâu cũng được, miễn là thuận lợi cho các em, không bắt buộc theo nơi cư trú. Thí sinh đang học THPT đăng ký thi theo trường.
Trước thắc mắc về cấu trúc đề thi như: bao gồm nhiều câu, trong đó có câu dễ và câu khó? Bộ trưởng Luận khẳng định: mô hình, cơ cấu câu hỏi trong đề thi giống các năm trước.
Tất cả các trường đều có quyền xét đợt 1, trường nào thiếu sẽ xét các đợt tiếp theo. Trường ĐH, CĐ tuyển vượt chỉ tiêu vài phần trăm có thể chấp nhận được. Nếu cố ý tuyển vượt chỉ tiêu sẽ bị xử lý.
Về việc chia cụm thi tỉnh và liên tỉnh, Bộ trưởng Luận cho biết sẽ chọn phương án tố chức thi như đã nêu trong quyết định 3538. Theo đó, mỗi cụm thi liên tỉnh phải bao gồm ít nhất 2 tỉnh. Duy trì cụm thi địa phương để giúp thí sinh khó khăn và chỉ muốn xét tốt nghiệp THPT. Cụm thi này cũng do các trường ĐH chủ trì
Các trường ĐH sẽ xếp phòng và chuyển dữ liệu cho các sở GD-ĐT in giấy báo dự thi.
Thời gian công bố quy chế chính thức trong 10 ngày đầu của tháng 2/2015.
Kết thúc phần phát biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ sẽ còn tiếp thu ý kiến, thảo luận trước khi đưa ra quy chế chính thức.
H.Minh (tổng hợp)