Dẫn số liệu quan trắc cho rằng, cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí có bụi quá mức cho phép, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi Bộ trưởng Trần Hồng Hà có biện pháp gì để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt câu hỏi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về biện pháp ngăn chặn ô nhiễm bụi. Ảnh: Quochoi.vn |
Cùng quan tâm, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) thông tin: Việt Nam là một quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo thống kê cho thấy có tới 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém dẫn đến một số bệnh như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, bụi phổi than...
“Chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường 2014, Nghị định 155 về xử lý vi phạm đối với hành vi gây ô nhiễm không khí, pháp luật về xây dựng giao thông, khai thác khoáng sản, du lịch,... đều quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trên vẫn tồn tại và ngày càng có dấu hiệu gia tăng, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Vậy, xin Bộ trưởng cho biết hiện nay bộ đã kiểm soát được tình trạng ô nhiễm này không?”, đại biểu Trịnh Ngọc Phương chất vấn.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ông không đồng tình với số liệu công bố. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, “công bố từ một trạm quan trắc của một tổ chức phản ánh mang tính cục bộ. Còn các trạm quan trắc mà Bộ Tài nguyên - Môi trường và Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang có thì cũng chưa phản ánh tình trạng nghiêm trọng đến vậy”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn nhưng cho rằng chưa đến mức nghiêm trọng như phản ánh của đại biểu Quốc hội. |
“Hiện nay Bộ Tài nguyên - Môi trường là cơ quan quản lý đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong nguồn nước, trong đó xác định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí. Theo đó chúng ta sẽ biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào và phải công bố toàn bộ số liệu đó để nhân dân biết chính xác chứ không phải hiện nay chúng ta từ một đài quan sát mà phát đi trên thế giới như vậy”, Bộ trưởng nói.
Đánh giá mức độ ô nhiễm chưa nghiêm trọng như đại biểu phản ánh, tuy nhiên Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí ở các đô thị lớn, các đô thị tập trung, đặc biệt liên quan đến giao thông, xây dựng và nguồn từ hoạt động giao thông là có.
“Chúng ta không nói là không ô nhiễm nhưng không nghiêm trọng như đại biểu phản ánh, không ô nhiễm tới mức vậy. Tất nhiên chúng ta cũng phải cẩn trọng trong việc kiểm soát nguồn thải, nhất là nguồn thải từ giao thông”, Bộ trưởng nói.
Ngoài ra, nguồn gây gây ô nhiễm không khí khác nữa là do hoạt động đốt rơm rạ mỗi khi vào mùa tại các khu vực ngoại thành của Hà Nội. Đáng lẽ những nguồn loại thải ra đó phải được tái chế, thì hiện nay người dân vẫn dùng phương pháp đốt là chủ yếu.
Bộ trưởng cho rằng, để kiểm soát vấn đề ô nhiễm không khí một cách lâu dài, bền vững, phải thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm Chính phủ đã ban hành một cách bài bản.
"Trước hết, kiểm soát bụi từ hoạt động giao thông, như kiểm soát số lượng phương tiện giao thông, kiểm soát bụi phát thải từ phương tiện giao thông, bắt buộc vệ sinh phương tiện trước khi vào nội đô. Một nguồn ô nhiễm khác là than tổ ong thì thời gian qua đã giảm hẳn ở khu vực Hà Nội", ông Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để thực hiện vấn đề này không chỉ một mình Bộ TNMT có thể làm được mà cần sự tham gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải. Trong đó Bộ TNMT đang xây dựng chương trình cụ thể để trình Chính phủ thực hiện.
Trang Vũ (tổng hợp)