Bức ảnh "chủ tọa vừa buôn điện thoại vừa xử" được ghi tại phiên toà xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản đang được chia sẻ trên mạng xã hội với nhiều bình luận.
Theo thông tin trên báo Xây Dựng, Infonet, bức ảnh trên được ghi tại phiên toà xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy cưỡng đoạt tài sản, tại TAND huyện Phúc Thọ (Hà Nội), ngày 30/9. Bức ảnh thể hiện, trong khi luật sư đứng lên trình bày thì ở hàng ghế Hội đồng xét xử, vị thẩm phán - chủ toạ phiên toà cúi xuống nghe điện thoại.
Nhiều bình luận cho rằng, bức ảnh thể hiện sự thiếu tôn trọng những người tham dự phiên toà và chấp hành không nghiêm minh nội quy phiên tòa của của Hội đồng xét xử. Trong khi vụ việc về án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn chưa kết thúc, bức ảnh trên càng khiến dư luận thêm bức xúc, và cho rằng chính thái độ thiếu nghiêm túc, vô trách nhiệm của một số thành viên trong HĐXX, nhất là thẩm phán - nguyên nhân dẫn đến những án oan.
Theo một số luật sư, thái độ của vị thẩm phán trong bức ảnh ghi tại phiên toà xử nguyên nhà báo Phạm Đình Huy, vi phạm khoản 5, điều 3 của Thông tư quy định về Nội quy phòng xử án.
Cụ thể khoản này quy định: “….không đội mũ, nón, đeo kính màu trong phòng xử án, trừ trường hợp có lý do chính đáng, được Chủ tọa phiên tòa cho phép; không sử dụng điện thoại di động trong phòng xử án; không hút thuốc, không ăn uống trong phòng xử án hoặc có hành vi khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa…”.
Chị Đoàn Thị Hồng Hạnh, vợ nguyên nhà báo Phạm Đình Huy, khẳng định, bức ảnh “thẩm phán vừa buôn điện thoại vừa xử” được ghi tại phiên toà xử nguyên nhà báo Phạm Đức Huy chồng chị. Chủ tọa phiên toà là bà Đặng Thị Bích Loan – thẩm phán, Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Theo chị Hạnh, suốt phiên toà, chủ tọa chưa thể hiện được đúng vai trò, trách nhiệm của mình bởi bà liên tục nghe điện thoại trong khi xét xử, nhất là ở phần luật sư trình bày, đưa ra nhiều tình tiết mâu thuẫn, vi phạm luật tố tụng.
"Trong phiên tòa, ông Vương Văn Bá trả lời rất lung tung, không khớp nhau, thẩm phán ngồi xử nhưng không để ý. Nhất là khi luật sư đưa ra những tình tiết bức xúc thì bà ấy lại nghe điện thoại, nghe rất nhiều. Tôi không nhớ rõ số lần nhưng trong buổi sáng, lúc viện kiểm sát hỏi bà ấy nghe 1-2 lần, buổi chiều thì rất nhiều. Bà ấy cứ ngang nhiên nghe, ngay cả khi luật sư Triển tranh luận bà ấy vẫn nghe và không để ý đến ý kiến của luật sư", chị Hạnh nói.
Bổ sung lời chị dâu, anh Đinh Văn Hoàng - em rể nguyên nhà báo Huy cho biết, buổi chiều thẩm phán Loan nghe nhiều hơn 3 cuộc.
"Khi tranh tụng tại tòa, luật sư nêu ra nhiều điểm thể hiện sự vi phạm luật tố tụng đối với viện kiểm sát đã vi phạm về luật tố tụng như: tang chứng vật chứng không được niêm phong, không có công văn bàn giao vụ án giữa viện kiểm sát Hà Nội cho viện kiểm sát huyện Phúc Thọ…Khi bị luật sư chất vấn, viện kiểm sát đã rất lúng túng, trả lời liều. Luật sư đưa ra tình tiết về sự giăng bẫy rất đúng, nó thể hiện qua lời khai ông Bá mâu thuẫn nhau cho thấy ông này cố tình vu khống. Việc bắt anh quả tang anh Huy cũng đã được dàn dựng từ trước và mọi hành động lúc đó đều là theo kịch bản. Thế nhưng, khi kết án thẩm Phán lại nói là không công nhận một lời bào chữa nào của anh Huy. Theo tôi có sự chỉ đạo, bắt tay trong vụ việc này”, anh Hoàng bức xúc.
Nói về diễn biến cũng như mức án toà tuyên đối với nguyên nhà báo Phạm Đình Huy, theo chị Hạnh là chưa đúng người đúng tội. Tại phiên toà, các lời khai của ông Bá (bên bị hại – PV) mâu thuẫn nhau và luật sư (LS bào chữa cho bị cáo Phạm Đình Huy – PV) cũng đưa ra nhiều tình tiết cho thấy có sự giăng bẫy, bố trí từ trước khi “bắt quả tang” nguyên nhà báo Huy tại hiện trường.
“Anh Huy có lỗi là để ông Bá bỏ phong bì 10 triệu vào cặp nhưng không có tội như kết luận của cơ quan điều tra. Trước đó, anh ấy đã từ chối nhưng ông Bá vẫn cố gắng bỏ vào cặp nên anh ấy để vậy vì không biết là trong phong bì có văn bản hay 1 ít tiền chứ không nghĩ sự việc lại xảy ra như vậy", chị Hạnh nói lại những chia sẻ được chồng chia sẻ trong những phút gặp mặt ít ỏi trước khi phiên tòa xét xử.
Tại phiên tòa sơ thẩm, tòa tuyên án 18 tháng tù giam với tội danh cưỡng đoạt tài sản cho bị cáo - nguyên nhà báo Phạm Đình Huy. Theo cáo trạng buộc tội của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phúc Thọ và lời khai của các bên tại tòa, có thể tóm tắt vụ việc trên như sau: Khoảng 8 giờ ngày 7/10/2013, Phạm Đình Huy đi xe ô tô 4 chỗ hiệu Altist đến nhà Đào Đình Long ở ấp Bá Khê, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, Hưng yên để thuê Long lái xe, sau đó Huy đã đến cơ quan họp và đến khoảng 10 giờ thì Huy, Long và ông La Đức Hùng đi làm việc tại huyện Ba Vì. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, trên đường Quốc lộ 32 về Hà Nội, trên địa phận xã Tam Hiệp nhà báo Phạm Đình Huy có phát hiện Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ ra lệnh dừng xe và kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 21C 068.57. Nhận thấy dấu hiệu vi phạm của nhóm Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ, nhà báo Phạm Đình Huy đã cùng Đào Đình Long quay camera ghi hình lại tổ thanh tra GTVT trên. Sau đó, xe ô tô của Phạm Đình Huy có đuổi theo sau xe ô tô tải có BKS 21C 068.57 và Huy bảo Long xuống hỏi về việc lái xe bị xử phạt ra sao, đồng thời Phạm Đình Huy lấy điện thoại ghi hình lại cảnh Long nói chuyện với lái xe. Sau khi xong, Huy quay lại và thấy tổ Thanh tra GTVT này tiếp tục kiểm tra một xe vi phạm khác, đang định lấy máy ra quay tiếp thì Đội Thanh tra GTVT này lại tiếp tục di chuyển về hướng Hà Nội. Khi về đến Hà Nội, nhà báo Phạm Đình Huy đã gọi điện cho ông Vương Văn Bá (Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ) để xác minh có phải là Đội Thanh tra GTVT đó có thuộc đội và có dấu hiệu tiêu cực của các cán bộ thanh tra GTVT do ông Bá phụ trách. Sau khi biết nội dung, ông Vương Văn Bá đã chủ động mời gặp Huy để trao đổi. Sau đó xin được gặp Huy và hẹn nhau tại quán café Bông gần trụ sở công an quận Hoàng Mai. Tại đây Phạm Đình Huy có bật cho ông Bá xem hình ảnh và ghi âm các cán bộ thanh tra GTVT dưới quyền của mình đang “tác nghiệp” trên quốc lộ 32 mà nhà báo Phạm Đình Huy cho rằng có tiêu cực trong việc kiểm tra xe vi phạm, đề nghị ông Bá làm rõ để xử lý. Sau khi xem đoạn video, băng ghi âm, ông Bá xin được bỏ qua và muốn được gặp Huy tại cơ quan để làm rõ đúng sai của cán bộ cấp dưới của mình. Từ ngày 8-9/10/2013, ông Bá liên tục gọi điện thoại cho anh Huy mong muốn được gặp để đối chất với số cán bộ trong hình ảnh và cho anh em xem lại. Đến khoảng ngày 10/10/2013, trong khi trên đường đi làm việc tại Sơn Tây, Huy đã nhận được điện thoại của ông Vương Văn Bá mời Huy lên Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ để làm việc. Khoảng 16 giờ 45 thì Huy và Long đi xe ô tô lên Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ tại cụm 11 Võng Xuyên Phúc Thọ để làm việc. Tại đội Thanh tra GTVT, ông Bá đã yêu cầu được xem lại các video ghi hình nhóm thanh tra GTVT dưới quyền, sau đó Huy đã bảo Long xuống xe lấy máy tính lên và mở cho ông Bá cùng ông Bùi Ngọc Lai là tổ trưởng và Cao Văn Đông là tổ viên của tổ công tác Thanh tra GTVT xem cảnh ghi hình và ghi âm ngày 7/10/2013. Sau đó Huy bảo Long mở điện thoại của Long cho ông Bá và Lai nghe đoạn ghi âm Long phỏng vấn lái xe tải có BKS 21C 068.57 về việc nhóm Thanh tra GTVT “mặc cả” tiền với lái xe. Sau khi các bên đã ra hết ngoài chỉ còn Bá và Huy thì Bá đã lấy một phong bì đưa cho nhà báo Phạm Đình Huy và nói: “Có gì anh về nói đỡ để các sếp bỏ qua cho an hem, còn anh em mình gặp gỡ, giao lưu sau”, nhưng Huy từ chối nhưng ông Bá vẫn cố tình bỏ vào cặp Huy. Sau đó ông Bá mời Huy và Long đi ăn, Huy từ chối và nói còn phải đi Sơn Tây và Long sách cặp máy tính, Huy cầm camera đứng dậy ra về. Khi nhà báo Phạm Đình Huy và Đào Đình Long ra khỏi phòng thì bị công an huyện Phúc Thọ bắt giữ. Sau đó Huy, Long bị lập biên bản, thu giữ điện thoại và các trang thiết bị khác và bị tạm giữ tại cơ quan công an huyện Phúc Thọ. |
Theo H.Minh/Người Đưa Tin