Đó là nhận định của PGS.TS. Trần Hồng Côn liên quan tới hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây một cách bất thường xảy ra trong mấy ngày qua.
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây được người dân phát hiện vào sáng ngày 30/9 và đỉnh điểm là vào sáng ngày mùng 2. Cá chết nổi phủ trắng mặt Hồ Tây rộng khoảng 500 ha, trong đó, nhiều nhất là các loại cá sống ở bề mặt nước nổi như cá mè, rô phi và cá trôi... Được biết, trước khi xảy ra hiện tượng trên, nước trong hồ bỗng chuyển màu xanh sậm so với thường lệ, sau đó chuyển sang màu đỏ nâu, đỏ đục.
Đến chiều ngày 02/10, Quận ủy Tây Hồ phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Sở Xây dựng đã huy động khoảng 400 người khắc phục sự cố. Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đã đến hiện trường tại khu vực đường Nguyễn Đình Thi trực tiếp chỉ đạo công tác xử lý. Hiện tại, vẫn chưa thống kê được số lượng cá chết cụ thể là bao nhiêu.
Thông tin trên VnExpress, đại diện Ban quản lý Hồ Tây xác nhận, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 m3 nước thải chưa qua xử lý từ các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống xung quanh đổ xuống hồ. Kết quả phân tích nhanh mẫu nước gần đây cho thấy, hàm lượng amoniac cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.
Cá Hồ Tây chết bất thường, nổi trắng mặt hồ. Ảnh: TTXVN |
Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, hiện mẫu xét nghiệm nước Hồ Tây đang trưng cầu liên quan đến cơ quan điều tra của Công an Thành phố và Viện kiểm nghiệm của Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và sẽ cố gắng có kết quả phân tích cuối cùng nhanh nhất có thể.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, PGS.TS. Trần Hồng Côn - Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, thực chất, Amoniac (còn gọi là amonia) là tổ hợp của amonia tự do NH3 và ion NH4+. Amonia này có thể xuất hiện từ nguồn nước thải chưa qua xử lý của các nhà hàng, quán ăn, từ các hộ dân; hoặc từ quá trình yếm khí trong nước mà trong đó, Nitơrat và các hợp chất Nitơ chuyển hóa thành amonia; hoặc do hợp chất này bị đổ trực tiếp xuống lòng Hồ Tây.
Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu xét nghiệm làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Tây. Ảnh: Tri thức trực tuyến |
Về hiện tượng nước Hồ Tây chuyển màu trước khi cá chết nổi lên mặt hồ, PGS. Trần Hồng Côn cho rằng, nước trong hồ sẽ có màu xanh lam vì trong nước chứa rất nhiều tảo. Lượng tảo này sẽ lấy hết ô xy trong hồ khiến cá không hô hấp được. Khi tảo chết thì nước mới chuyển màu đen, đặc quánh.
"Kết quả phân tích mẫu nước Hồ Tây thời điểm cá chết cho thấy, hàm lượng amonia cao gấp 3 lần hàm lượng cho phép. Điều này có nghĩa, amonia là "chỉ thị" cho thấy nước trong hồ đang ô nhiễm và thiếu ô xy trầm trọng. Và nguyên nhân gây nên hiện tượng này - nếu chỉ "quy" vào lý do amonia có phần phiến diện. Do đó, để đảm bảo tính khách quan của vấn đề, cần phải được xem xét trong bối cảnh là tổ hợp của nhiều yếu tố tự nhiên: Một là do thời tiết đầu mùa thu năm nay quá nóng. Hai là nguồn thải được đổ lòng hồ một cách trực tiếp. Ba là nguồn thải kết hợp với sự thay đổi của thời tiết làm mất cân bằng sinh thái trong hồ, khiến một loại động - thực vật nào đó phải triển quá ồ ạt nên dùng hết ô xy trong hồ dẫn tới cá bị ngạt và chết hàng loạt..." - PGS. TS. Trần Hồng Côn phân tích.
Cũng theo nhận định của chuyên gia hóa học, nếu cá Hồ Tây chết chỉ do ô nhiễm amonia và thiếu ô xy gây ngạt thì bản thân cá không chứa độc. Còn nếu cá chết do nước hồ chứa các chất độc, ví dụ như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc do tác động của hàm lượng một số kim loại nặng vượt ngưỡng... thì việc sử dụng cá này là thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi sẽ gây hại đối với sức khỏe. Do đó, trong khi các cơ quan chức năng còn chưa đưa ra kết luận chính thức về vụ việc thì người dân nên hạn chế tối đa việc sử dụng số cá chết này trong sinh hoạt để tránh những hệ lụy đáng tiếc.
Vũ Đậu