Trong 3 ngày từ 5 - 7/5, hiện tượng cá nuôi lồng bè ở khu vực cửa biển Lạch Bạng và Kênh Than trên vùng sông đổ ra biển huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng khiến nhiều chủ nuôi thiệt hại nặng nề.
Trao đổi trên zing/Tri thức trực tuyến, bà Nguyễn Thị Tuyết Ngân (33 tuổi, ở thôn Đoan Hùng, xã Hải Bình) cho hay, sáng 7/5, cá bớp nuôi trong lồng chết với số lượng lớn, gia đình phải thuê người vớt lên.
“Không chỉ có cá đã lớn 3-4 kg chết, mà cá giống mới thả cũng chết, thiệt hại 600-700 triệu đồng” – Bà Ngân chua xót nói. Hiện, gia đình chị đứng trước nguy cơ nợ nần vì toàn bộ số vốn đều vay ngân hàng.
|
Cá lồng tại cửa biển Tĩnh Gia, Thanh Hoa chết bất thường khiến người dân lo lắng. Ảnh: Người lao động |
Trên báo Giao thông, ông Đặng Văn Tý (SN 56 tuổi, ngụ tại thôn Thanh Đình, xã Hải Thanh, Tĩnh Gia) là chủ nuôi cá lồng cho biết, nhà có 34 ô lồng nuôi các loại cá như: Vược, Mú, Hồng Mỹ và cá Giò. Sáng 5/5 xuất hiện tình trạng cá chết nhiều, trong đó có cả cá chuẩn bị xuất bán và cá giống.
“Khi thủy triều lên tôi bắt đầu thấy cá ngoi lên trên thở ngộp, nhảy rồi lặn dần xuống đáy và chết. Ước tính khoảng 3,5 tấn cá của tôi đã chết. Tổng thiệt hại cũng lên tới 600 triệu đồng. Chúng tôi cho rằng việc xả thải của các nhà máy bột cá gần đây gây chết cá của chúng tôi”.
Những con cá giò có trọng lượng 3-4 kg chết được người dân vớt lên. Ảnh: Dân Việt. |
Trước vấn đề này, theo trao đổi trên tờ Người Lao động của ông Đỗ Xuân Chung - Chủ tịch UBND xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa cho biết, sau khi nhận được thông tin cá chết, xã đã cử cán bộ xuống kiểm tra và thống kê thiệt hại để báo cáo lên cấp trên. Hiện có 20 hộ dân nuôi cá lồng bè trong khu vực.
Ngày 7/5, Sở TN-MT và cảnh sát môi trường cũng đã về lấy mẫu nước, chất thải xung quanh khu vực bà con nuôi cá để về phân tích, tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt. Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân vẫn chưa được làm rõ” - ông Chung cho biết thêm.
Trước đó, từ ngày 4 đến ngày 7/5, cá tự nhiên và cá nuôi lồng trên sông Bưởi đoạn chảy từ xã Thạch Lâm xuống xã Thành Vinh (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) cũng xảy ra hiện tượng chết hàng loạt, khiến các hộ nuôi trồng thiệt hại nặng nề.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Thạch Thành, đến ngày 7/5 đã có khoảng 14 tấn cá chết.
Ngày 6/5, trong buổi làm việc với 2 sở Tài nguyên và Môi trường của Thanh Hoá và Hoà Bình, đơn vị này đã xác nhận xả thải trực tiếp ra môi trường. Theo giải trình của lãnh đạo công ty này cho biết, nhà máy sản xuất mía đường đóng tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình đang trong quá trình chạy thử, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy này chưa hoàn thiện.
Đến ngày 3 và 4/5, do nước thải trong hồ chứa quá đầy dẫn tới việc xả lượng nước thải lớn chất thải chưa qua xử lý ra thượng nguồn sông Bưởi. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường của 2 tỉnh đã yêu cầu công ty dừng ngay hoạt động xả thải, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải mới được hoạt động.
Giang Trần (tổng hợp)