Thời gian gần đây, cụm từ "Cách mạng Công nghiệp 4.0" ngày càng được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ còn mù mờ khi rất khó để hiểu hết khái niệm và tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu với những cơ hội và thách thức.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hướng nếu họ không trang bị kiến thức mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0. |
Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4) xuất phát từ khái niệm "Industrie 4.0" trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013.
Báo cáo này nhắc đến các khái niệm liên kết chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người. Tháng 1/2015, cụm từ này liên tục được Thủ tướng Đức Angela Merkel nhắc tới tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos.
Tuy nhiên, trên thực tế, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Dễ hiểu hơn, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư được kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học, Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới chia sẻ.
Theo ông Klaus Schwab, tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện "không có tiền lệ lịch sử". Nó đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.
Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).
Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, Cách mạng Công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong Nông nghiệp, Thủy sản, Y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu.
Còn trong lĩnh vực Vật lý, đó là robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.
Hiện nay, tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã diễn ra đặt cho nhân loại nhiều cơ hội cũng như thách thức.
Những thách thức đã hình thành như sự ra đời của robot dần thay thế người lao động phổ thông thực hiện những công việc có tính chất lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề cao, tư duy sáng tạo, thực hiện những công việc phức tạp, làm chủ máy móc lại tăng lên, Trí thức trẻđăng tải. Hiện nay, nhiều nhà máy đã bắt đầu sử dụng robot nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất bởi họ không còn chịu sức ép tăng lương, hưu trí hay các chế độ phúc lợi cho người lao động.
Như vậy, trong tương lai, máy móc, robot hoàn toàn có thể thay thế lao động chân tay. Thị trường lao động hoàn toàn có thể bị phá vỡ nếu không có sự chuẩn bị ngay từ thời điểm này.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đang ngày càng hiện hữu với những tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới với trình độ phát triển khác nhau đã xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi số để thích ứng và làm chủ cuộc CMCN lần thứ 4.
Ở Việt Nam, tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 6 được tổ chức vào năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên chính thức phát biểu chỉ đạo và khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ phát triển của cuộc CMCN 4.0.
Tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin – truyền thông năm 2017 (còn gọi là Vietnam ICT Summit) do Hiệp hội Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (tức Vinasa) tổ chức ngày 6/9 tại Hà Nội đã đưa ra cảnh báo: "Việt Nam hiện còn đang quá rụt rè và chậm chạp tiếp cận, nếu còn tư duy tán gẫu và ngồi uống trà đá ngắm đoàn tàu chạy qua, đây sẽ là lần thứ tư trong lịch sử chúng ta bỏ lỡ cơ hội bứt phá, và đứng trước nguy cơ tụt hậu ngày càng xa".
Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của CMCN 4.0. Chúng ta phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống Chính sách, pháp luật thông thoáng, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển.
Về phía Chính phủ, chúng ta cần hình thành hệ thống chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển và đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia.
Những hạ tầng này bao gồm: Hạ tầng viễn thông, Hạ tầng dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu mở - Open Data), Hạ tầng thông tin và Hạ tầng tri thức. Xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Điều cuối cùng mà các thành viên trong Diễn đàn thống nhất là cần khẩn trương xây dựng các thành phố thông minh, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị thông minh, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Để làm được điều này, trước tiên cần sớm xây dựng trung tâm điều hành kết nối thông tin của thành phố. Đảm bảo hạ tầng thông tin là một cấu phần bắt buộc trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Bên cạnh đó, áp dụng mô hình thông tin đô thị CIM (City Imformation Model) và sử dụng dữ liệu lớn từ IoT để quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đô thị.
Đức Hòa (tổng hợp)