Có tiếng hò hét "cởi đi, cởi đi", thế là cô gái xinh đẹp lột áo khoe những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Các dân chơi trong quán bar được dịp “rửa mắt” và quay lại clip.
Nhiều cô gái lần đầu đi bar bị dân chơi bỏ thuốc mê vào ly nước cho uống.
Anh Khang, nhân viên phục vụ quán bar Ro... (ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) chia sẻ lần đầu bước vào những nơi ồn ào phức tạp này bạn sẽ không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Thông thường khi có men trong người dân chơi mới đi bar, vũ trường. Những tiếng nhạc đinh tai, hệ thống đèn chiếu khiến dân chơi hoa mắt và có cảm giác lâng lâng, mất kiểm soát.
Nói về những cạm bẫy trong bar, anh Khang cho biết chỉ một xích mích nhỏ, đụng chạm nhẹ cũng dễ dẫn đến đổ máu, vì dân đi bar hay uống nhiều rượu, máu "anh hùng".
Cựu nhân viên quán bar này kể: Vào giữa tháng 7/2014, cô gái tên Thảo có dáng người cao, da trắng, rất xinh đẹp đi bar. Vừa bước vào, lập tức cô thu hút ánh mắt của nhiều người. Khi lên sàn nhảy, Thảo không ít lần bị các thanh niên "vô tình" đụng vào những chỗ nhạy cảm trên người.
Chưa dừng lại ở đó, Thảo còn bị các kiều nữ ghen tỵ với nhan sắc nên cũng “vô tình” dẫm vào chân cô gái này. Không khéo léo ứng xử với các đàn chị trong thế giới hỗn tạp, Thảo bị một cái tát trời giáng và những cái nắm tóc, đấm đá hội đồng. Dù lực lượng vệ sĩ có mặt can ngăn nhưng cô gái vẫn bị một trận no đòn.
Công an lập biên bản xử phạt hành chính trong một lần kiểm tra quán bar.
Theo nhiều tiếp viên quán bar, thấy các cô gái "nai nai" mới đi bar, các thanh niên rất thích bày trò. Cô gái tên Ly vừa bước xuống từ sàn nhảy mồ hôi nhễ nhại, Quang - dân chơi có tiếng ở Sài Gòn - mang ly nước cam tới mời.
Đang khát nước, cô gái cầm ly nước uống cạn. Sau đó Ly tiếp tục lên sàn nhảy bốc lửa. Có tiếng hò hét "cởi đi, cởi đi", thế là cô lột áo khoe những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể. Bạn bè Quang được dịp “rửa mắt” rồi quay clip.
"Chỉ đến khi tỉnh thuốc và xem lại clip, cô gái mới hối hận", Hằng - nhân viên phục vụ quán bar V. trên đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận) kể.
"Để tránh sập bẫy khi đi bar, tốt nhất phải kiểm soát được những loại nước mình uống. Mỗi lần ra vào nhà vệ sinh hay lên sàn nhảy, thay đổi vị trí phải yêu cầu nhân viên phục vụ thay ly mới và kiểm tra nắp chai các loại nước uống.
Nếu nghi ngờ, cảm giác không an toàn thì đừng nên uống. Hay gặp những kẻ hay dẫm vào chân, biết chắc chắn sẽ có chuyện, tốt nhất nên tìm cách rút lui để giữ an toàn", Hằng nói.
Một cảnh sát hình sự công an TP.HCM cho biết quán bar là nơi tập trung rất nhiều thành phần phức tạp, nhất là các băng nhóm tội phạm có tổ chức. Các đại ca trong giang hồ thường tìm đến đây để "đốt tiền" và thể hiện đẳng cấp.
Theo lý giải của cán bộ điều tra này, phải có đẳng cấp thì mới có nhiều đàn em xin theo. Hơn nữa, bar cũng là nơi để đại ca tuyển thêm đàn em, lấy số má trong giang hồ. Khi đi bar, có khách gặp vạ lây khi các băng nhóm hỗn chiến.
Công an thường xuyên kiểm tra các quán bar để sàng lọc băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Vị cán bộ này kể, hai băng nhóm vào một quán bar tại quận Gò Vấp có mâu thuẫn. Đàn em của 1 nhóm cầm kiếm Nhật bất ngờ chém vào tay 1 khách đứng gần băng kia. Thấy nhóm đối thủ ngồi yên, băng giang hồ mới biết là chém nhầm nên nhanh chóng tẩu thoát, nhưng đã bị cảnh sát vây bắt.
Thường để che giấu hiện trường, ngay lập tức chủ bar sai nhân viên đưa khách bị chém đi cấp cứu, đồng thời mang nước rửa sạch vết máu trên sàn để công an không “sờ gáy” vì tội thiếu trách nhiệm để các băng nhóm gây rối.
"Các quán bar thường có nhiều vệ sĩ là vì vậy. Để cho các đại ca giang hồ ít quấy nhiễu, nhiều khi chủ bar cũng tuyển các tay giang hồ có số má để bảo vệ khi xay ra chuyện", một nhân viên quán bar chia sẻ.
Theo thống kê của Phòng quản lý nghệ thuật Sở VH-TT-DL TP.HCM, hiện trên địa bàn có 13 vũ trường được cấp phép. Số còn lại hoạt động dưới hình thức quán bar, club trá hình dựa trên giấy phép kinh doanh nhà hàng.
Theo Sở này, bar là lại hình hoạt động mang tính tự phát không nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh do Chính phủ quy định. Do đó chưa có cơ quan quản lý Nhà nước nào cấp phép cho loại hình này hoạt động.