(Tinmoi.vn) Câu chuyện chiếc “lò đốt rác phát điện” do một nông dân chế tạo bị Sở Khoa học Công nghệ Thái Bình cấm hoạt động đã gây “sóng” trong dư luận. Một blogger có tiếng thậm chí đã gọi xem việc cấm đoán này là “côn đồ khoa học”. Tinmoi/Nguoiduatin đã tìm hiểu nội tình vụ việc.
Lò đốt rác tạo ra điện đủ cho 20 hộ gia đình ?
Video: Cận cảnh lò đốt rác phát điện
Chủ nhân của lò phát điện trên là ông Bùi Xuân Kiên (trú tại Thái Thụy, trình độ học vấn lớp 4, nghề nghiệp nông dân). Ông chia sẻ, đã có ý tưởng sản xuất một “nhà máy điện” từ lâu. Để thực hiện ước mơ, ông mất 6 năm dành dụm số tiền 100 triệu đồng, đi các nhà máy nhiệt điện ở Lạng Sơn, Quảng Ninh… tham quan, mua sách về tự học hỏi kiến thức.
Cuối cùng, ông ra ở một ngôi nhà hoang gần chợ vì nơi đó có nhiều rác thải để làm nguyên liệu cho lò “nhiệt điện” của mình.
Theo ông Kiên mô tả: Lò đốt này được thiết kế gồm 2 cửa. Cửa trên là lò đốt chính, cửa dưới có tác dụng hỗ trợ. Khi đưa rác vào lò, nhiệt độ đốt rác bao giờ cũng phải được đảm bảo ở mức cao từ 1.600 - 2.000 độ C.
Ông Bùi Xuân Kiên và chiếc lò phát điện của mình (Ảnh: sưu tầm)
Toàn bộ rác thải sẽ được đốt sạch tới mức không còn tro than. Nhiệt độ này đảm bảo cho lượng hơi nước bay hơi nhanh trong nồi hơi, tạo nên áp lực làm quay tua-bin. Hơi nước đó được tuần hoàn và quay về bể ngưng.
Tại đây, nhiệt độ nước khoảng 90 độ C. Với lượng nước chờ bốc hơi này, ông Kiên thiết kế một máy bơm khiến nước quay trở lại nồi hơi. Nước sôi và bốc hơi ngay lập tức và đảmbảo nhiệt không hề suy giảm. Nguồn điện được sản sinh ra trong chuỗi tuần hoàn các thao tác vừa rồi và được đấu thẳng vào điện nguồn của hộ gia đình sử dụng.
Cũng theo ông Kiên, lò này có thể biến 1kg rác thành 1,5kW điện, 1kg gỗ sẽ được 4-5kW điện. Với lò đốt rác phát điện này, giá điện sẽ rẻ hơn 80% điện lưới. Ngoài ra, chỉ cần vài người để vận hành lò này, thậm chí chỉ cần một người.
"Nếu vận hành hết công suất, một lò phát điện mini có thể cung cấp điện cho 20 hộ dân" - ông Kiên cho biết.
Sở KHCN Thái Bình cấm, người dân bức xúc
Sau khi chế tạo thành công, ông Kiên có mong muốn mời nhà khoa học, cơ quan chức năng về thẩm định để “nhà máy điện” của ông để đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, Sở Khoa học Công nghệ Thái Bình đã không cho phép ông Kiên tiếp tục chế tạo, hoàn thiện lò này.
Quyết định này, đã vấp phải sự phải ứng dữ dội từ dư luận nhiều ngày qua. Một blogger có tiếng đã có hẳn bài viết với tiêu đề khá bức xúc: Gửi những "côn đồ" khoa học.
Bài viết thể hiện sự bức xúc của blogger. (Ảnh chụp màn hình)
“ - Việc Sở Khoa học công nghệ Thái Bình các ông quyết định nhắm mắt dẹp bỏ sáng chế lò đốt có khả năng đốt triệt để rác thải ở nhiệt độ cao và dùng nhiệt năng để phát điện của người nông dân Bùi Khắc Kiên (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) chỉ vì những lý do vớ vẩn, những lý do mà nghe ra đứa con nít cũng thừa biết các ông không chỉ là quan liêu, không chỉ là vô cảm, không chỉ là máy móc, không chỉ là bừa bãi mà là dấu hiệu của sự ngu dốt, dấu hiệu của sự đố kị, dấu hiệu của sự cửa quyền...
-Ngu dốt vì trước một sáng chế được coi là rất lớn lao như thế, đến thế giới đọc thông tin còn ngạc nhiên, mà các ông phẩy tay, dẹp, đó là cái phẩy tay của những kẻ tô son má hồng hai chữ khoa học nhưng hoàn toàn là kẻ mù điếc về khoa học, hay nói chính xác hơn các ông là những kẻ chà đạp khoa học…” trích trong bài viết của blogger NQV.
Bài viết còn cho rằng, khi đoàn kiểm tra của cơ quan chức năng đến, những chỉ số về nhiệt độ, lượng bụi, khí thải… đều rất thuyết phục nhưng không hiểu sao sản phẩm của ông Kiên vẫn bị cấm.
Đại diện công ty Nhật Bản đến thăm quan lò phát điện (ảnh trên) và những chỉ số khoa học của lò (ảnh dưới). (Ảnh chụp màn hình)
Như để ủng hộ ông Kiên và phản đối “cấm lệnh” của Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình, tờ Đất Việt đưa tin: Ngày 7/7/2014, một công ty của Nhật Bản đã đến thăm quan lò đốt rác phát điện của ông Kiên.
Theo thông tin từ ông Bùi Khắc Kiên, nếu sự hợp tác giữa ông và người Nhật Bản bị chính quyền làm khó khăn thì công ty Nhật ấy sẵn sàng đưa ông sang Nhật Bản để chế tạo cho họ công nghệ đó.
Vụ việc nhanh chóng trở thành vấn đề nóng, gây tranh cãi trong dư luận nhiều ngày qua. Trước những chỉ trích của người dân hướng tới các nhà học, thậm chí bị chửi là “côn đồ”, là đố kỵ với công trình sáng tạo của người nông dân.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, vụ việc không được thông tin đầy đủ và ông Kiên đang trở thành nạn nhân của truyền thông. Tin mới/Người đưa tin sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia cùng quan chức Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình để tìm hiểu vụ việc.
Còn tiếp…
Na Sầm