Đề xuất gắn camera trên mũ cho CSGT đã thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân, nhiều người đặt câu hỏi: Camera trên mũ CSGT có lợi ích gì? Hình ảnh thu được từ camera được xử lý như thế nào, có bị phát tán ra ngoài hay không?...
Vừa qua Ban ATGT TP đề xuất một giải pháp đồng bộ. Trong đó, có đề xuất trang bị 200 camera gắn trên mũ bảo hiểm của cảnh sát giao thông nhằm tăng cường khả năng giám sát, xử lý các vi phạm...
Đề xuất này nằm trong gói 'hỗ trợ kỹ thuật' - một trong những nội dung của Chương trình cưỡng chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về ATGT TP HCM vừa làm việc với Quỹ Bloomberg.
Ngay sau đó tin tức về việc đề xuất này đã thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân, nhiều người đặt câu hỏi: Camera trên mũ CSGT có lợi ích gì? Hình ảnh thu được từ camera được xử lý như thế nào, có bị phát tán ra ngoài hay không?...
Bằng chứng để xử phạt
Mô hình gắn camera trên mũ cho CSGT tham gia tuần tra trên đường được triển khai tại Đội CSGT quận 7 từ tháng 12/2014. Các camera được ví như “mắt thần”, giúp tổ tuần tra thực hiện tốt công việc.
Hiện tại Đội CSGT quận 7 đã được trang bị 5 camera, mỗi tổ tuần tra 4 chiến sĩ khi đi làm nhiệm vụ sẽ được cấp một camera. Người nhận sẽ kiểm tra hiện trạng máy rồi ký vào sổ. Kết thúc ca trực tổ tuần tra phải giao lại camera ngay cho bộ phận khác trích xuất”.
Trả lời trên báo Thanh niên, thiếu tá Phạm Hồng Nam - Đội phó Đội CSGT Q.7 cho biết, việc gắn camera trên mũ cho các chiến sĩ khi tham gia tuần tra xử phạt nhằm mục đích ghi lại những hình ảnh làm bằng chứng các lỗi như: không chấp hành tín hiệu đèn, không bật đèn xi nhan khi chuyển hướng... Việc gắn camera cũng sẽ giúp CSGT thu thập hình ảnh khi gặp cướp giật trên đường để cung cấp cho cơ quan điều tra.
Trung tá Võ Thanh Tùng, Trưởng đội CSGT, Công an Q.7, cho biết thêm, xuất phát từ việc người tham gia giao thông khi vi phạm hay cự cãi với CSGT, Công an quận đã đề xuất Ban An toàn giao thông (ATGT) Q.7 cấp kinh phí trang bị 5 camera (trị giá khoảng 10 triệu đồng/cái) gắn trên mũ CSGT. Kể từ khi gắn camera, tình trạng cự cãi giảm hẳn, chỉ xảy ra một số vụ người vi phạm thắc mắc nhưng sau khi mời về trụ sở công an mở clip cho xem thì “tâm phục khẩu phục”.
Video cận cảnh camera được gắn trên mũ CSGT
Hình ảnh thu về từ camera gắn trên mũ của CSGT là bằng chứng xử phạt người vi phạm. Ảnh TTTĐ
Giám sát lực lượng thi hành nhiệm vụ
Không chỉ dùng làm bằng chứng xử phạt người vi phạm, camera gắn trên mũ của CSGT còn cần là công cụ giám sát lực lượng thi hành công vụ.
Thiếu tá Phạm Hồng Nam, Đội Phó Đội CSGT Q.7, cho biết camera được gắn lên mũ của CSGT khi làm nhiệm vụ trên đường không chỉ ghi lại hình ảnh vi phạm của người tham gia giao thông để có căn cứ xử phạt, mà còn giám sát hoạt động CSGT ở ngoài đường. Camera sẽ giúp ban chỉ huy đội giám sát được lịch trình tuần tra của các tổ, cũng như hành vi, ứng xử của CSGT đối với người vi phạm.
Hình ảnh “xấu” của cá nhân bị phát tán?
Xung quanh việc camera được lắp đặt rên mũ CSGT để dễ dàng quan sát khi tuần tra cũng như dễ dàng trong việc làm bằng chứng xử phạt người vi phạm giao thông. Nhưng bên cạnh cũng có nhiều ý kiến cho rằng liệu những đoạn video này có bị phát tán ra ngoài hay không?.
Hoặc là dữ liệu từ camera thu vể có thể bị xóa đi khi lỗi thuộc về phía CSGT?
Trao đổi về thông tin này với Báo Giao thông, Thiếu tá Phạm Hồng Nam, Đội phó Đội CSGT Công an Quận 7 cho biết: “Đây là hoạt động giám sát xảy ra nơi công cộng. Khi kết thúc một ca tuần tra thì camera được thu hồi và tư liệu của buổi tuần tra đó sẽ được nộp cho Ban chỉ huy đội như dữ liệu lưu trữ nghiệp vụ. Những hình ảnh đó sẽ được giữ bảo mật ở cơ quan công an. Ban chỉ huy của Đội mới được xem lại khi xảy ra sự khiếu nại của người dân về lỗi vi phạm hoặc thái độ của CSGT. Nên người dân không lo những hình ảnh “xấu” của mình bị phát tán ra ngoài. Băng ghi hình sẽ là hồ sơ nghiệp vụ chỉ được mang ra sử dụng khi có sự khiếu tố, khiếu nại, không thể xem đó là hành động vi phạm quyền tự do…”.
Theo nhận xét của Luật sư Nguyễn Trung Chính (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc gắn camera để ghi lại quá trình xử lý của CSGT là cần thiết. Tuy nhiên, việc trang bị camera trên mũ của CSGT chỉ ghi được những hình ảnh và hành vi của người tham gia giao thông chứ không ghi lại toàn bộ quá trình xử lý và hành vi của CSGT. Điều này là thiếu công bằng vì việc ghi hình chỉ thể hiện một chiều theo hướng có lợi cho CSGT. Luật sư Chính cho rằng việc gắn camera như vậy chỉ mang ý nghĩa như một phương tiện hỗ trợ cho CSGT để xử lý người vi phạm.
Chính vì vậy liệu việc gắn camera như thế chỉ phục vụ cho xử lý người tham giam giao thông vi phạm, không quay được quá trình xử lý vi phạm của CSGT như thế liệu có công bằng?
K. Duy (tổng hợp)