Theo luật sư, hành vi thu lại tiền thuộc sở hữu của công dân có dấu hiệu hình sự.
Thông tin cán bộ thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đã đến từng hộ dân vừa được nhận tiền cứu trợ bão lũ 500 ngàn đồng/hộ yêu cầu nộp lại 400 ngàn đồng với lý do là để "chia đều" cho toàn bộ người dân khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Quách Thành Lực – công ty Luật Hà Nội tinh hoa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, số tiền Từ thiện khi tặng cho những người dân vùng lũ thì đã là tài sản riêng của người dân. Quyền sở hữu của công dân được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Theo pháp luật hiện hành, không có quy định nào cho phép bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào có quyền thu hồi lại tiền của hoạt động cứu trợ, nhân đạo để phân chia đồng đều cho mọi người.
Người dân thôn Trung Thôn bức xúc khi thôn thu lại tiền hỗ trợ lũ lụt - Ảnh: Người lao động |
“Nhìn ở góc độ pháp luật hình sự thì hành vi thu lại tiền thuộc sở hữu của công dân có dấu hiệu hình sự. Theo điều 135 Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi năm 2009 về tội cưỡng đoạt tài sản có quy định: “ Người nào đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt từ một năm đến năm năm” – Luật sư Lực nói.
Luật sư Lực phân tích thêm, nếu thông tin báo chí đăng tải khi người dân được nhận cứu trợ phản ứng yêu cầu nộp lại tiền, cán bộ thôn đã nói "nếu không nộp thì những đợt cứu trợ sau gia đình tôi sẽ không có phần nữa” là chính xác thì đây được xác định là hành vi “thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác”.
"Tuy nhiên phải xác định mục đích thu lại tiền của người dân của cán bộ thôn có nhằm mục đích chiếm đoạt hay không thì mới có cơ sở xử lý hình sự những người này. Việc xác định mục đích chiếm đoạt tài sản của những người thu lại tiền của dân phụ thuộc vào việc có văn bản nào của cơ quan có thẩm quyền yêu cầu thu hồi số tiền từ thiện hay không, họ thu tiền mục đích có trái pháp luật hoặc có giữ làm tài sản riêng hay không", ông Lực phân tích.
Cũng theo luật sư Lực, để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tôi những người này nên nhanh tróng hoàn trả số tiền đã trót thu không có căn cứ pháp luật của người dân.
“Tôi mong rằng đây chỉ là hành vi thiếu hiểu biết hoặc quá nhiệt tình, quá tham lam của một vài cá nhân và ít nhiều nông nổi. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng chỉ đạo, bắt tay làm rõ vụ việc để người dân vùng lũ bớt thiệt thòi, thiếu thốn và không làm nản lòng những người làm thiện nguyện, góp phần cổ vũ cái tốt, loại trừ cái xấu trong xã hội” – luật sư Lực nhấn mạnh.
Trước đó, báo chí thông tin về việc người dân thôn Trung Thôn (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn) phản ánh việc họ được nhiều đoàn từ thiện trong cả nước đến tận nhà trao tiền, quà hỗ trợ sau lũ lịch sử thì đã bị cán bộ thôn đến "đòi" thu lại. Cụ thể, vào ngày 22/10, có một đoàn từ thiện ở TP HCM ra trao khoảng 40 suất quà cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cùng một phần quà hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đoàn cứu trợ vừa rời khỏi thì nhiều cán bộ thôn Trung thôn đã đến tận nhà thu lại 400/500 ngàn đồng mà người dân được hưởng với lý do là để "chia đều" cho toàn bộ người dân.
Tiểu Phương (ghi)