Theo báo Giáo dục & Thời đại, khu vực chấm thi tại tỉnh Sơn La được công an bảo vệ 3 vòng nghiêm ngặt. Vòng 1 có 4 công an bảo vệ khu vực chấm thi tự luận và khu vực chấm thi trắc nghiệm, phòng bảo quản bài thi. Vòng 2 có 2 nhân viên túc trực 24/24, kiểm soát an ninh đối với tất cả mọi người ra vào khu vực chấm thi. Vòng 3 có cảnh sát bảo vệ trong giờ làm việc. Bên cạnh đó, các phòng chấm thi đều được lắp camera theo quy định. Việc niêm phong các phòng chấm thi, bảo quản bài thi hàng ngày được thực hiện theo đúng quy chế.
Dù hệ thống máy chấm thi trắc nghiệm đã bị niêm phong phục vụ công tác điều tra nhưng Hòa Bình đã kịp trang bị mới 2 máy quét bài thi, hệ thống máy tính mới, cấu hình cao và các thiết bị phụ trợ khác phụ vụ công tác chấm thi đảm bảo theo quy chế. Theo báo Tiền phong, về nhân lực chấm thi, Ban chấm thi trắc nghiệm có 12 người đến từ trường Đại học Sư phạm 2, Ban chấm thi tự luận có 55 người. Đối với chấm thi tự luận, yêu cầu của Bộ đưa ra phải điều tra nhân thân rõ ràng, thậm chí còn yêu cầu cao hơn cả giáo viên coi thi.
Địa điểm làm phách cũng được cách li tuyệt đối 3 vòng. Các thiết bị máy móc, vật dụng và người tham gia Ban làm phách cũng được kiểm tra qua cửa an ninh điện tử trước khi vào. Địa điểm chấm thi trắc nghiệm được bố trí một khu riêng, có cửa ngăn cách chắc chắn, 1 phòng an ninh trực, 1 phòng chấm thi, 1 phòng dự phòng có đầy đủ máy chuyên dụng, thiết bị phục vụ công tác chấm trắc nghiệm đúng quy định. Các phòng, thiết bị chấm trắc nghiệm được Bộ Công an rà soát kiểm tra niêm phong nghiêm ngặt trước khi đưa vào sử dụng.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Dân trí, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Hòa Bình cho biết: “Hoà Bình là “điểm nóng” của gian lận thi cử năm 2018. Do đó chúng tôi nhận thấy trách nhiệm rất nặng nề, áp lực lo lắng đến mất ăn mất ngủ”. Ông còn phải đích thân đi kiểm tra các địa điểm thi liên tục để tránh sai sót.
Đặc biệt, để rút kinh nghiệm, năm nay các thành viên của Ban chỉ đạo thi ở Hòa Bình đều phải viết kế hoạch công tác chi tiết. “Quan điểm của tỉnh, phải đúng chất lượng dạy học nhưng không được để xảy ra sai sót nhằm lấy lại hình ảnh của ngành GD Hoà Bình. Chúng tôi mong muốn “cơn bão” năm 2018 qua đi và ngành GD Hoà Bình sẽ bình yên trở lại”, ông Chương trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và thời đại.