(Tinmoi.vn) Loài động vật này được mệnh danh là quái vật có khả năng giết chết con mồi chỉ bằng một nhát cắn duy nhất trên cơ thể chúng.
Rồng Komodo sống đông nhất trên đảo Komodo. Đây là một trong số 17.508 hòn đảo của Indonesia. Đảo Komodo có diện tích khoảng 1.800 km² nhưng thưa dân chỉ trên 2.000 người. Hòn đảo này là một phần của Vườn quốc gia Komodo. Tên của loài bò sát này là gọi theo địa danh của hải đảo này.
Rồng Komodo có thể thích hợp ở nhiều môi trường khác nhau. Chúng có khả năng lặn sâu 5m dưới mặt nước để mò cá, nhưng cũng có thể leo trèo như thằn lằn trên cây. Rồng Komodo là loài đặc hữu của Indonesia; ngoài xứ này, không đâu có.
Theo khoa học, rồng Komodo là loài cận chủng với giống khủng long ngày xưa, đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm. Australia một thời có loài thú giống như rồng Komodo với kích thước to gấp ba lần nhưng loài bò sát đó cũng không còn. Còn lại chỉ là những bộ xương hóa thạch.
Rồng Komodo là loài thích hợp sống trong môi trường vô cùng khắc nghiệt của những hòn đảo núi lửa khô cằn. Indonesia hiện còn khoảng 3.500 cá thể rồng Komodo trong đó chỉ có khoảng 350 cá thể rồng cái.
Mặc dù rồng Komodo được bảo vệ nghiêm ngặt, song tình trạng thu hẹp môi trường sống do con người lấn chiếm cùng những tác động thiên nhiên của núi lửa, lượng rồng cái ít oi, nên giống này là loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.
Chiều dài một con rồng Komodo lớn trung bình từ 2 đến 3m và có thể nặng đến 1,6 tạ. Rồng Komodo là loài ăn thịt vô cùng hung dữ. Nhiều người đâ bị loài rồng này tấn công và ăn thịt. Đây là loài săn mồi vô cùng kinh hoàng với bộ máy tiêu hóa cực mạnh. Chúng có thể xơi một lúc lượng thịt bằng 80% trọng lượng cơ thể, nghĩa là, một con rồng nặng 100 kg có thể ăn 80 kg thịt sống. Chúng ăn cả xương kể cả xương động vật lớn như trâu.
Rồng Komodo có một bộ hàm cực khỏe, trang bị răng sắc lại sẵn tính háu ăn. Một nhát cắn có thể truyền chất kịch độc vào cơ thể con mồi vì nước dãi có sẵn nhiều vi khuẩn làm con mồi dễ nhiễm trùng. Sức mạnh bộ hàm, cùng với độc tính nước dãi, sẽ giết chết con mồi, dù đó là trâu mộng.
Thính giác và thị giác của rồng Komodo rất kém nhưng ngược lại khứu giác rất tinh, cảm nhận bằng lưỡi. Bằng cách thè lưỡi để "nếm" không khí, chúng có thể đánh hơi được xác chết cách xa 10km. Việc ăn xác chết đối với rồng Komodo là thường vì sau khi tấn công, con mồi tuy chạy thoát sẽ bị nhiễm độc vì vết cắn và dù chạy xa 10 km trước khi chết, rồng Komodo sẽ đánh hơi tìm đến nơi để ăn thịt.
Rồng Komodo thường chảy nước dãi rất nhiều và nước miếng này giống như thuốc độc vì có chứa rất nhiều vi khuẩn nguy hiểm. Khi bị cắn, nếu vết thương không được điều trị sẽ bị tử vong
Tuy có thể không hạ gục ngay một con mồi to lớn như trâu, bò, nhưng chúng thích săn mồi theo cách riêng. Bất kì vết cắn nào cũng sẽ làm cho con mồi nhiễm trùng. Sau đó, chúng chỉ việc bám sát con mồi đến bất kì nơi nào và chỉ sau vài ngày, hoặc vài tuần là con mồi chết và chúng tiến đến ăn thịt.
Theo các nhà khoa học, các tuyến nọc độc trong miệng của rồng phát ra một chất chống đông máu ở vết thương, điều này làm cho các vết thương của con mồi càng chảy máu nhiều hơn và làm cho con mồi nhanh suy yếu.
Thoa Nguyễn (tổng hợp)
Xem thêm video trên Tin Mới: Xem Khỉ đột dùng mánh khoé săn mồi