Do mâu thuẫn trong khi bán hàng nước tại vườn hoa Lý Tự Trọng (Tây Hồ, Hà Nội), hai người phụ nữ thường xuyên cãi cọ. Đỉnh điểm của mâu thuẫn một người đã lao vào, cắn đồng nghiệp đứt ngón tay út.
Trong lúc giằng co, ẩu đả, bà Nguyễn Thị Hồng đã dùng "võ cắn" nghiến đứt lìa ngón tay út của đối thủ.
Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Làn (SN 1960, trú tại 208 phố Thụy Khuê, P. Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội). Khi được bác sĩ tại bệnh viện Xanh Pôn yêu cầu gia đình đưa đốt ngón tay bị đứt để tiến hành phẫu thuật ghép nối, người thân của bà Làn mới tá hỏa đi tìm nhưng không tìm thấy đốt ngón tay bị cắn đứt đâu.
Cắn cụt, ngậm nguyên ngón tay nạn nhân trong miệng
Mất gần một tiếng đồng hồ lục tung từng mô đất, ngọn cỏ, cuối cùng họ cũng tìm thấy đốt ngón tay bị cắn đứt nằm bên vệ đường và nhanh chóng đưa vào bệnh viện.
Nhưng tất cả đã quá muộn, đốt ngón tay bị đứt đã bị nhiễm trùng do rời xa bàn tay quá lâu, phần vì bụi bẩn, phần bị nhiễm trùng do tuyến nước bọt của bà Hồng. Các bác sĩ phải tiến hành tháo gấp một đốt ngón tay thứ 2 của bà Làn.
Chồng của nạn nhân, ông Vũ Anh Tuấn cầm đốt ngón tay của vợ xót xa cho biết: "Tìm thấy đốt ngón tay của vợ tôi vô cùng sung sướng, nhưng khi được biết, nó không thể ghép lại vì bị nhiễm trùng tôi lặng người vì đau đớn".
Là người đầu tiên phát hiện ra đốt ngón tay của vợ mình bị cắn mất và đưa vào viện cấp cứu ông Tuấn cho biết thêm: "Thấy máu lênh láng trên mồm chị Hồng, tôi nhìn khắp người vợ xem có bị cắn mất bộ phận gì không thì phát hiện bàn tay vợ cụt một đốt ngón út. Lúc đó chỉ kịp hô hào mọi người đưa vợ vào viện gần nhất để cấp cứu".
Sau khi đã được các bác sĩ cầm máu và phẫu thuật xử lý vết thương bà Làn vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà cho biết: "Lúc bị cắn, máu chảy lênh láng nhưng không cảm thấy đau đớn, chỉ khi thấy chồng hét toáng lên, đưa bàn tay lên nhìn thì không thấy một ngón đâu".
Cắn cụt ngón tay để giành địa bàn
Theo đơn tố cáo của bà Làn, bà và bà Nguyễn Thị Hồng trú tại ngõ 79 phố Thụy Khuê (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Hai người cùng làm nghề bán hàng nước tại vườn hoa Lý Tự Trọng (Hồ Tây).
Sự việc bi hài xảy đến với bà Làn bắt nguồn từ lý do hết sức đơn giản. Chỉ vì thấy khách ghé hàng nước của bà Làn đông hơn hàng nước của bà Hồng, nên từ năm 2003, bà Hồng luôn có hiềm khích và kiếm cớ gây gổ với bà Làn để đuổi bà Làn đi chỗ khác không cho bà Làn bán hàng nước tại khu vực này nữa.
Mối hiềm khích lên đến đỉnh điểm vào ngày 01/05/2013. Khi thấy bà Làn dọn hàng ra bán tại điểm bán như thường ngày, bà Hồng vô cớ "moi" cả bố mẹ của bà Làn ra chửi.
"Tôi lúc đó cũng không có ý kiến gì, chỉ nói lại 1 câu rằng: Bố mẹ tôi đã mất từ lâu nên chị đừng có lôi ra để chửi nữa. Ngay lập tức bà Hồng chửi lại: Bố mẹ mày đã chết thì tao cho mày chết cùng bố mẹ mày luôn", bà Làn kể.
Ngay sau đó, bà Hồng lao vào đập phá toàn bộ hàng hóa của bà Làn. Thấy sự việc nghiêm trọng, bà Làn đã gọi chồng là anh Vũ Anh Tuấn, làm nghề chụp ảnh ở Hồ Tây gần đó về. Đến nơi thấy hàng hóa của vợ bị đập phá nên anh Tuấn có lấy máy ảnh ra chụp lại hiện trường để trình báo cơ quan Công an.
Thấy vậy bà Hồng lao vào túm tóc, đấm đá túi bụi anh Tuấn. Bà Làn lao vào can ngăn thì bị bà Hồng túm tay, trong lúc giằng co đã cắn đứt lìa 1 đốt ngón tay út của bà Làn.
Sự việc sau đó đã được gia đình bà Làn báo lên Công an phường Thụy Khuê để giải quyết. Tuy nhiên, sau 4 lần phía Công an phường đứng ra hòa giải nhưng không có kết quả. Vụ án sau đó đã được chuyển lên Đội điều tra tổng hợp Công an quận Tây Hồ để điều tra làm rõ.
Công an đề nghị khởi tố, VKS ra sức bác bỏ
Qua quá trình điều tra xác minh vụ việc, phía Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã có công văn gửi Viện kiểm sát nhân dân quận Tây Hồ - Hà Nội, xác minh vết thương của bà Làn là loại thương tật vĩnh viễn.
Căn cứ vào tài liệu thu thập được, phía Công an quận Tây Hồ kết luận hành vi của Nguyễn Thị Hồng đã cấu thành tội cố ý gây thương tích quy định tại Điều 104 BLHS. Và phía Công an quận Tây Hồ đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đến VKSND quận Tây Hồ.
Tuy nhiên điều làm gia đình nạn nhân cũng như phía cơ quan điều tra khá bất ngờ là Viện KSND quận Tây Hồ đã ra công văn số 25/CV-VKS cho rằng: Hành vi của Nguyễn Thị Hồng gây thương tích cho Nguyễn Thị Làn thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, nên không đủ căn cứ khởi tố về tội "Cố ý gây thương tích" quy định 104 BLHS. Và yêu cầu cơ quan Cảnh sát điều tra quận Tây Hồ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và ra quyết định xử lý hành chính.
Trao đổi về sự việc, luật sư Nguyễn Hương Giang, văn phòng luật sư Trần Khoa cho biết: "Tôi khó hiểu về quyết định của Viện KSND quận Tây Hồ. Trường hợp trên đủ cơ sở để khởi tố bà Nguyễn Thị Hồng về tội cố ý gây thương tích theo Điểm b Khoản 1 - Điều 104 BLHS".
Quá bức xúc về sự việc, bà Nguyễn Thị Làn đã nhiều lần gửi đơn lên Viện KSND thành phố Hà Nội, nhưng đến nay sự việc vẫn chìm vào quên lãng. Hiện vết thương của bà Làn diễn biến ngày một xấu đi do có hiện tượng sưng phù và hoại tử. Nguy cơ phải tháo thêm một đốt tay thứ 3 nữa để bảo toàn tính mạng.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. |
Theo Người đưa tin