(Tinmoi.vn) Trao đổi trên Vnexpress, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, đề cập tới cuộc chiến năm 1979 không phải kích động hận thù mà là rút ra những bài học trách nhiệm với hoà bình. Một cuộc chiến chống xâm lược phải là một niềm tự hào cần tôn vinh đối với công lao và sự hy sinh của một thế hệ.
Ông Dương Trung Quốc cho biết, công tác nghiên cứu nhất là của những ngành có liên quan trực tiếp như lịch sử ngoại giao hay quân sự, chiến tranh biên giới phía Bắc vẫn được quan tâm vì quan hệ với Trung Quốc mãi mãi vẫn là một nhân tố rất quan trọng. Những tài liệu lưu trữ hay hiện vật lịch sử có thể vẫn còn, nhưng việc không đuợc đưa vào giảng dạy, trưng bày và để cho các thế hệ biết tới là sai lầm.
“Vấn đề là cách trình bày, thông điệp của chúng ta khi đề cập tới những sự kiện loại này không nhằm kích động hận thù mà là những bài học về trách nhiệm đối với hoà bình. Nhân dân nước nào cũng ưa chuộng hoà bình. Ứng xử của chúng ta với những giai đoạn lịch sử thời kháng chiến chống Pháp hoặc chống Mỹ là những bằng chứng. Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP HCM thu hút không chỉ khách trong nước mà khách nước ngoài kể cả những người từng ở bên kia chiến tuyến đến xem và mang lại hiệu ứng rất tích cực. Tại sao Chiến tranh biên giới 1979 lại là ngoại lệ? Một cuộc chiến tranh chống xâm lược phải là một niềm tự hào cần tôn vinh đối với công lao và sự hy sinh của một thế hệ.
Phải chăng ai đó vẫn viện vào cái phương châm “khép lại quá khứ để hướng tới tương lai?” Hiểu khép lại như thế nào là đúng mới quan trọng. Chiến tranh là một hiện tượng mà nhiều dân tộc đã trải qua phải đối diện với những di sản của nó”, ông Quốc nói.
Cũng theo ông Quốc, giới sử học nhiều nước đã từng có chung một mong muốn là làm sao sách giáo khoa không che dấu sự thật về các cuộc chiến tranh trong quá khứ nhưng lại không khoét sâu tâm lý thù địch giữa các dân tộc, quốc gia.
“Nói cách khác là thái độ của chúng ta trước những hố sâu ngăn cách bởi những cuộc chiến tranh trong quá khứ như thế nào. Khoét sâu thêm thù hận? Lấp đầy bằng sự quên lãng? Cuối cùng, cách tốt nhất là trân trọng giữ lại nguyên vẹn sự thật của quá khứ như những trải nghiệm đau thương và vượt qua hố sâu đó bằng một cây cầu hữu nghị mà mỗi bên đều có trách nhiệm cùng nhau xây đắp”, ông Quốc lý giải.
Đề cập đến việc "cho đến nay, Trung Quốc vẫn nói rằng, Việt Nam đã nổ súng khơi mào cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, còn Trung Quốc mới là đất nước phải tự vệ", trao đổi trên Nông thôn ngày nay, nhà sử học, TS Nguyễn Nhã cũng cho rằng, tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược mà không có bất cứ lý do biện minh nào cho hành động sai trái đó thì việc ai nổ súng trước không quan trọng. Điều quan trọng là có phải đó là hành vi xâm lược hay không. Vào nhà người khác, xâm phạm như thế thì người giữ nhà khi cần đảm bảo an toàn cho mình và người thân có phải nổ súng trước cũng là điều đương nhiên.
“Sự hy sinh xương máu của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc là những sự hy sinh cao quý nhất, và vì thế đương nhiên cần phải có sự đối xử tương xứng. Thường thì phải lập bia, đền thờ Tổ quốc ghi công. Từng cá nhân phải được xem xét Chính sách dành cho các gia đình liệt sĩ như trong cuộc chiến chống thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ.
Những người có công trạng hiển hách cũng cần được vinh danh bằng cách viết tiểu sử công trạng, có khi phải đặt tên đường, tên trường học… để các thế hệ sau luôn nhớ tới.
Sau 35 năm, phần nào cuộc chiến đã đi vào lịch sử. Việc tôn trọng lịch sử, không quên lịch sử là việc đương nhiên, và điều này chứng tỏ nước ta đang ở thời kỳ độc lập tự chủ”, ông Nhã nói.
Lính Trung Quốc bị quân dân Việt Nam bắt sống trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Trước đó, nói về cuộc chiến tranh này trên báo Lao Động, giáo sư sử học Vũ Minh Giang cũng cho rằng: “chúng ta cần trả lại sự thật cho lịch sử”.
“Việc Trung Quốc nói rằng chỉ “đối phó” cuộc tấn công của Việt Nam thì liệu ai tin được, khi chỉ trong 1 giờ, họ đưa 600.000-700.000 quân ào ào đánh bật các chốt biên giới của Việt Nam, tiến sâu vào đất liền. Nếu không phải tinh thần chiến đấu quật cường của dân tộc Việt Nam, không biết cuộc chiến đó sẽ đi đến đâu.
Đó, không gì khác hơn, là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc, được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Còn chính Việt Nam mới bị động.
Về vấn đề này, chỉ có duy nhất Trung Quốc nói vậy, còn thế giới thì không. Chẳng nhẽ, tất cả thế giới sai, chỉ một mình Trung Quốc đúng? Thế giới đều nói đây là cuộc chiến tranh xâm lược, ở các mức độ khác nhau. Bởi người Việt Nam lúc đó, không có gì mong muốn hơn là một cuộc sống hòa bình, với những khó khăn sau một cuộc chiến tranh dài chồng chất, thiếu thốn lương thực và giải quyết bài toán nội bộ... Chìa khóa ở đây là ta cần phải nói sự thật và chỉ sự thật mà thôi”, ông Giang phân tích.
Cũng theo giáo sư Nguyễn Minh Giang, cần phải hiểu rằng không phải cứ im lặng là tốt. Vì Trung Quốc sẽ sử dụng điều đó như một chứng cứ rằng “Sai rồi, nên có dám nói gì đâu”.
“Tôi cho rằng, sự nhịn đến không dám nói gì không phải là cách xử lý hay với Trung Quốc. Không vì thế mà họ tử tế hơn. Điều quan trọng là ta phải có cách xử lý đĩnh đạc, đàng hoàng của một quốc gia có chủ quyền. Một lễ kỷ niệm xứng đáng cuộc chiến biên giới 1979 sẽ thể hiện sự trân trọng với những chiến sĩ đã hy sinh, trân trọng lịch sử. Đó chính là mong mỏi của dân”, ông Giang nói.
Trao đổi trên Thanh niên dịp 34 năm chiến tranh Biên giới Việt – Trung (17/2/1979-17/2/2013), Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, việc báo chí Việt Nam không đưa tin về sự kiện này là một sự thiếu sót lớn, là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2/1979 và gần mười năm sau đó.
Cũng theo ông Cương, trong khi chúng ta im lặng thì hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của Trung Quốc tung ra hàng loạt bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.
“Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc, ông Cương nói.
H.M (tổng hợp)