Một võ sư vô danh, chưa làm được bất kỳ điều gì ý nghĩa cho nền võ thuật, bất ngờ nổi đình, nổi đám suốt 1 tháng chỉ vì mạnh miệng thách đấu. Flores đang trở thành tâm điểm của sự tranh cãi: ông là người hùng hay chỉ là kẻ hám danh?
Kẻ hám danh?
Flores nói rằng mục đích chính ông đến Việt Nam thách đấu với đại võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt là để khẳng định võ công của chưởng môn Nam Huỳnh Đạo là giả dối.
Cao thủ Vịnh Xuân Nam Anh gốc Chile này tâm huyết tới nỗi sẵn sàng bỏ tiền túi bay từ Canada sang Việt Nam dù không nhận được sự đồng ý chỉ để kiểm chứng cái việc mà ông ta không hề liên quan tới.
Cần khẳng định rằng, Flores không đại diện cho chính nghĩa hay tòa án để kiểm chứng đúng hay sai. Đấy là chưa kể, phía môn phái Vịnh Xuân Nam Anh hoàn toàn đứng ngoài việc này, và Flores chỉ là đại diện cho cá nhân mình.
Điều đáng chú ý, ngay từ đầu Flores đã bị ông Huỳnh Tuấn Kiệt từ chối giao đấu, nhưng ông vẫn sang TPHCM, rồi lại bay ra Hà Nội chỉ để tham gia "giao lưu" 2 trận võ thuật với hai võ sỹ đã ở tuổi 60.
Chính 2 trận giao lưu này là "đòn bẩy" giúp cho Flores được cả giới võ thuật và cộng đồng xã hội Việt Nam biết tới. Người ta không cần quan tâm ông là ai, chỉ biết rằng, ông là người đã đánh bại 2 vị võ sư của các môn phái ở miền Bắc.
Câu chuyện của Flores gần giống như những câu chuyện trong phim ảnh, và vì thế nó càng được khuếch đại, gây sự chú ý lớn của dư luận. Nói một cách khác, ngay từ khi đặt chân tới Việt Nam, từ những tuyên bố của mình, cho tới cách hành động, Flores cho thấy mình là người rất rành trong khả năng truyền thông.
Hãy nhìn cách mà Flores tới tận võ đường Nam Huỳnh Đạo, hình ảnh khiến người ta dễ liên tưởng tới chuyện một người đến đòi nợ chứ không phải là đến để gặp gỡ, giao lưu. Bởi lẽ, nếu thực sự để gặp gỡ, thì Flores chỉ cần bốc điện thoại, nhắn tin và đối phương báo trước và đồng ý mới tới nhà.
Cách Flores đến trực tiếp, thực ra có thể ông cũng không cần quan tâm, hoặc biết trước là mình sẽ không được chào đón, nhưng chắc chắn truyền thông sẽ nhắc tới ông.
... Hay là người hùng
Đặt ngược lại vấn đề, nếu như Flores thực sự "hám danh" thì liệu có tốt hay xấu?
Trong thời buổi mà thể thao cần được xã hội hóa thì chuyện một võ sỹ biết cách để truyền thông là một chuyện tất yếu. Hãy xem cách các võ sỹ MMA trước mỗi trận thách đấu đã tuyên bố như thế nào? Và mỗi trận đấu như thế có giá trị hàng tỷ USD.
Việt Nam vốn dĩ là một dân tộc hiếu võ. Chúng ta có cả một nền võ cổ truyền nổi tiếng hàng nghìn năm, không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Chúng ta có những VĐV võ thuật cũng vô địch thế giới, rồi mang huy chương về cho tổ quốc.
Nhưng những câu chuyện ấy đã thực sự có sức lan tỏa đến cộng đồng, các võ sỹ theo nghiệp võ chỉ vì đam mê, chứ có mấy ai sống được với nghề.
Chỉ một lời thách đấu của Flores đã khiến cả làng võ giật mình, có võ sỹ còn chua chát: "Bao nhiêu năm tập luyện, cống hiến cho võ thuật, không bằng một tay vô danh sang đây thách đấu".
Flores có thể khiến nhiều người không thích, nhưng chắc chắn trong thâm tâm làng võ Việt Nam cũng phải thầm cảm ơn, bởi chính ông đã giúp làng võ thực sự được thấy rằng người Việt còn mê võ lắm. Flores cũng chỉ cho làng võ Việt con đường để có thể "nổi tiếng từ nghề võ".
Nếu Flores mang lại những giá trị quan trọng như vậy, thì ông cũng xứng đáng được vinh danh như người hùng, dù cho mục đích của ông lần này sang Việt Nam là sao đi chăng nữa.