Từng học về cờ tướng nhưng lại đến với bộ môn cờ vây như một cơ duyên, sau hơn 10 năm, Lê Kiều Khánh Linh vẫn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên được chạm tay vào những quân cờ mà trước đây chỉ được thấy trong các tập truyện tranh Hikaru No Go.
Hoàn thành khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Quốc tế loại A, đạt danh hiệu sinh viên giỏi toàn khóa với số điểm trung bình 3.37 tại ĐH Ngoại thương Hà Nội, liên tiếp tham gia 3 giải quốc gia và một giải quốc tế về môn cờ vây (trong đó, giành được vị trí thứ 9 tại giải cờ vây quốc gia năm 2013)... đó là vài nét sơ qua về Lê Kiều Khánh Linh - nữ sinh Việt Nam đầu tiên xuất sắc giành được học bổng Thạc sỹ trị giá 30.000 USD cho 4 kỳ học tại trường Đại học Myongji (Hàn Quốc) chuyên ngành Cờ vây học.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từ nhỏ, Khánh Linh được nhận xét là người khá trầm tính. Cũng có thể vì thế, thay vì tham gia các trò chơi mang tính hiếu động như các bạn, Linh lại dành đam mê cho các môn cờ. Trước khi đến với cờ vây, Linh được ông ngoại dạy chơi cờ tướng. Tuy nhiên, do có sở thích đối với bộ truyện tranh "Hikaru No Go - Kỳ thủ cờ vây" nên không biết từ lúc nào, những quân cờ này đã trở thành niềm đam mê đặc biệt đối với Linh.
Chân dung nữ sinh Việt Nam đầu tiên giành học bổng Thạc sỹ cờ vây tại Hàn Quốc. Ảnh: FB nhân vật |
Năm 11 tuổi, trong kỳ nghỉ hè, Linh nói với bố mẹ về sở thích của mình và muốn được phép dành thời gian để học bộ môn cờ vây. Muốn con được sinh hoạt hè vui vẻ, bố mẹ Linh đồng ý. Và trong suốt 3 tháng, mỗi tuần, Linh được ông ngoại đèo đi học cờ vây tại Câu lạc bộ Cờ vây Hà Nội cho tới khi kỳ nghỉ kết thúc và Linh quay trở lại với các kỳ học mới tại trường. Tuy nhiên, sau đó, việc theo đuổi sở thích của Linh bị "gián đoạn" tạm thời, mãi cho tới năm học lớp 11, Linh mới quay lại với cờ vây vì thời điểm này, có một thầy dạy chuyên nghiệp từ Hàn Quốc được cử sang Việt Nam để dạy cờ vây cho mọi người và cô may mắn được theo học.
Linh cho hay, thời gian qua, sự thiếu hụt về tài liệu và người hướng dẫn có lẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cờ vây chưa được phổ biến rộng rãi như cờ vua, cờ tướng. Tại Hà Nội, số lượng câu lạc bộ cờ vây cũng không nhiều. Do vậy, khó khăn lớn nhất của nữ sinh này là không có nhiều cơ sở hay câu lạc bộ cờ vây để theo học; không có nhiều tài liệu, sách báo về cờ vây để tìm hiểu. Vì thế, Linh đã "trau dồi" kiến thức về bộ môn cờ vây thông qua việc trực tiếp học hỏi từ các anh chị đi trước hoặc tự tìm tài liệu tiếng Anh liên quan được phổ biến trên Internet.
Chỉ 3 năm sau khi học cờ vây cơ bản, Linh đã có thể đứng lớp và dạy cấp độ bắt đầu cho các học viên mới; các cấp cao hơn thì do những người đi trước và các giáo viên Hàn Quốc phụ trách.
Lê Kiều Khánh Linh luôn dành niềm đam mê đặc biệt cho cờ vây. Ảnh: FB nhân vật |
Và để theo đuổi được đam mê của mình, bên cạnh việc không ngừng học hỏi, khám phá về cờ vây, Linh còn phải luôn nỗ lực để hoàn thành tốt việc học văn hóa tại trường. Bởi nếu thành tích học tập bị ảnh hưởng, cô sẽ khó có thể nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình trong việc theo đuổi sở thích cá nhân. Do đó, Linh tự đặt ra nguyên tắc cho mình là phải luôn hoàn thành việc học trước khi tính đến các vấn đề cá nhân khác. Song song với duy trì niềm đam mê cờ vây, việc thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương Hà Nội với điểm số khá cao đã chứng minh cho nỗ lực và quyết tâm của cô gái trẻ. Không những thế, trong suốt 4 năm đại học, thành tích học tập của Linh luôn được xếp vào hàng "đáng nể". Cho đến ngày tốt nghiệp, Linh đã xuất sắc nhận danh hiệu Sinh viên giỏi toàn khóa tại ngôi trường danh giá.
Song song với theo đuổi niềm đam mê, Linh vẫn hoàn thành xuất sắc việc học tập tại Đại học Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: FB nhân vật |
Chia sẻ về quyết định lựa chọn Hàn Quốc làm điểm đến trong chặng hành trình theo đuổi đam mê, Linh cho biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển nhất về cờ vây, hơn nữa, Myongji là trường địa học duy nhất hiện nay có đào tạo cao học chuyên ngành này. Cô đã được học cờ từ một thầy chuyên gia người Hàn Quốc và có niềm yêu thích đặc biệt với bộ môn nên đã luôn hy vọng được đến Hàn Quốc để được học hỏi, được đào tạo thêm.
Về suất học bổng Thạc sỹ cờ vây trị giá 30.000 USD tại trường Đại học Myongji, Linh kể, khoảng đầu năm 2016, cô được một người bạn giới thiệu về suất học bổng này nên lập tức nắm lấy cơ hội, trực tiếp liên lạc với trường để xin học bổng. 4 tháng sau, khi đang làm khóa luận tốt nghiệp, cô bất ngờ nhận được hồi âm từ phía trường Myongji.
Cô gái trẻ tâm niệm, chưa bao giờ nghĩ đang gây dựng sự nghiệp khi chơi cờ vây mà chỉ đơn thuần thấy yêu thích bộ môn này và muốn được thỏa niềm đam mê. Ảnh: FB nhân vật |
"Thực ra không phải chỉ có 4 tháng mà em được nhận học bổng. Đó đơn thuần chỉ là quãng thời gian em chuẩn bị hồ sơ và được bên trường cũng như giáo sư chấp thuận, sau đó là chuẩn bị các thủ tục để đi học. Em nghĩ, việc được trường Myongji chấp nhận - ngoài may mắn - thì một phần cũng nhờ thời gian trước em đã thể hiện sự yêu thích và nghiêm túc với kế hoạch học tập mình. Cụ thể như tham gia câu lạc bộ cờ, dạy cờ, tham gia 1 số giải đấu, và cũng học tiếng Hàn trong hơn 1 năm. Nhờ nhiều yếu tố cộng lại và các thầy cô thấy thích hợp nên cũng đã hỗ trợ để em có thể nhận được học bổng. Từ trước tới giờ, em chưa bao giờ nghĩ rằng em đang gây dựng sự nghiệp khi chơi cờ vây mà chỉ đơn thuần thấy yêu thích bộ môn này và muốn học thêm để phát triển bản thân tốt hơn. Trong lịch sử của trường Myongji , em may mắn là nữ sinh người Việt Nam đầu tiên được nhận học bổng này. Điều đó càng giúp em có thêm nhiều động lực hơn nữa để quyết tâm theo đuổi đam mê của mình" - Linh thẳng thắn chia sẻ.
Vũ Đậu