Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: "Nhiều nơi họ xử buôn lậu, ma túy, tham nhũng…, phạt tiền cho vào quỹ để giải quyết bồi thường...".
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi).
Theo Vnexpress, tại buổi thảo luận, Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, dư luận đang đặt ra câu chuyện: "Tiền nhân dân đóng thuế không phải để chi trả bồi thường. Các anh làm sai, các anh bảo dân đóng thuế cho các anh đền à?".
Theo ông Bình, nhiều nước giải bài toán về kinh phí chi trả bồi thường bằng cách lập quỹ từ nguồn thu xử phạt tội phạm. "Người ta không lấy tiền thuế của dân để đền bù. Nhiều nơi họ xử buôn lậu, ma túy, tham nhũng…, phạt tiền cho vào quỹ để giải quyết bồi thường", ông Bình nói.
Bồi thường kiểu gì cũng bị lên án
Báo Vietnamnet cũng dẫn lời Chánh án TAND Tối cao tại buổi thảo luận cho biết, thời gian qua ông theo sát các vụ án oan của các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Thêm.
“Thực sự mà nói bồi thường kiểu gì cũng bị lên án”, ông Bình nhận xét.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Luật Bồi thường nhà nước chiều 27/10 - Ảnh: Chân Luận |
Theo ông, nếu bồi thường đúng quy định theo hướng dẫn Bộ Tài chính thì phải có chứng cứ, phải có giấy tờ xác nhận chi tiêu. Kê đúng vậy thì không được bao nhiêu, dư luận lại đặt câu hỏi mười mấy năm mà chỉ được ít, điển hình như vụ Huỳnh Văn Nén.
“Còn nếu đền bù quá nhiều thì sẽ lên án sao Nhà nước mất nhiều tiền thế, ví dụ như vụ ông Chấn”, ông Bình nêu.
Ông cho biết ngay cả khi ra toà cũng khó xử vì có những khoản không thể chứng cứ hoá được như danh dự, sức khoẻ, tinh thần...
Về trách nhiệm bồi thường, ông Bình đề nghị cần có trách nhiệm liên đới. Nếu ở cấp toà án, ngoài việc toà phải xin lỗi, bồi thường, kỷ luật thẩm phán, phải kỷ luật luôn cả điều tra viên và kiểm sát viên.
“Cả 3 đều phải có trách nhiệm bồi hoàn chứ không thể chuyển giai đoạn khác rồi thì vô can. Khi xét thưởng huân chương, chưa chắc ông toà, ông VKS được nhưng kỷ luật đến giai đoạn nào chỉ có 1 ông thì không công bằng”, ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng, trong các vụ án oan của ông Chấn, ông Nén là lỗi tổng hợp, có lỗi của điều tra viên, kiểm sát viên, toà án. Giờ thu hồi, không thể nói mình toà án được.
Theo báo VOV, liên quan đến việc bồi thường vụ án oan Huỳnh Văn Nén, trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ quan toà án đã có những bước tính, thỏa thuận bồi thường lần thứ 3 ở mức cũng khá cao và đến lần thương lượng thứ 4, mức bồi thường toà đưa ra còn 2,6 tỷ.
“Tôi nghĩ, việc tính toán, xác định mức bồi thường cho ông Nén phải căn cứ quy định của pháp luật. Mức bồi thường thương lượng lần thứ 3 so với lần thứ 4 có mức chênh lệch khá lớn như vậy có thể do vận dụng pháp luật không chuẩn, không bảo đảm nên khi rà soát lại mức bồi thường giảm xuống. Những điều này đều phải có căn cứ pháp luật” – ông Huỳnh Thanh Cảnh nói.
Trước băn khoăn rằng ông Huỳnh Văn Nén đi tù 17 năm thì làm sao có thể có đủ hóa đơn, chứng từ để chứng minh được thiệt hại, theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, cơ quan chức năng phải có sự vận dụng tối đa để bồi thường.
“Toà án phải có trách nhiệm rà soát lại thật kỹ, vận dụng tối đa để bồi thường thỏa đáng nhất, cao nhất cho ông Nén. Nhưng vận dụng tối đa cũng phải theo quy định của pháp luật” – Trưởng đoàn ĐBQH Bình Thuận nhấn mạnh.
Xem thêm video:
[mecloud]hU1UC7PhJd[/mecloud]
Cự Giải (tổng hợp)