“Nhà tài trợ nôn nóng chặt cây và xử lý không khéo dẫn đến gây bức xúc trong cộng đồng” – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Đề án thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội ngay khi vừa được triển khai đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân thủ đô. Và trước sức ép của truyền thông và dư luận, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo tạm dừng việc thay thế cây xanh để lắng nghe, tiếp thu những ý kiến góp ý của nhân dân; đồng thời, khẩn trương chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả các khâu, các tiêu chí cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, thay vì nhận trách nhiệm vì để xảy ra tình trạng bất cập, gây nên những bức xúc trong dư luận vì chặt hạ cây xanh trên các tuyến phố, lãnh đạo thành phố - Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng lại quy kết lỗi thuộc về nhà tài trợ, cho rằng nguyên nhân là do nhà tài trợ nôn nóng chặt cây.
Thông tin tại cuộc họp báo chiều qua (20/3), ông Hùng khẳng định: “Đề án thay thế cây là chủ trương đúng. Tuy nhiên, sự nôn nóng của các nhà tài trợ, thông tin thiếu minh bạch của các đơn vị triển khai khiến dư luận chưa đồng tình”. Như vậy, từ lời trần tình của phó chủ tịch, thì nhà tài trợ điều khiển được cả UBND thành phố thực hiện Đề án chặt hạ, thay thế cây xanh.
Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội đã có một phát biểu "rợn người" về vụ chặt cây xanh trên các tuyến phố Thủ đô
Nhiều người đặt câu hỏi, không biết lực của các nhà tài trợ này lớn đến đâu và uy lực như thế nào mà có thể khiến cả một bộ máy lãnh đạo của thủ đô phải nhún mình nhượng bộ. Và chỉ vì họ nôn nóng, muốn tăng tốc việc thực hiện đề án thay thế cây nên đồng thời phải “hỏa tốc” cho chặt cây. Và phải chăng lãnh đạo thành phố vì đang ở “kèo dưới” nên chỉ còn cách thuận theo ý của “chủ chi” mà không hề có bất kỳ sự phản ứng nào.
Dư luận dấy lên mối nghi ngờ rằng không biết thời gian qua, lãnh đạo thành phố đã có những quyết định gì, ký tá những giấy tờ gì và cho thông qua những phương án chặt hạ, thay thế ra sao… mà các nhà tài trợ lại có thể toàn quyền tự quyết mọi việc. Vì việc chặt hạ cây đã kéo dài hơn một tháng thì không thể có chuyện lãnh đạo thành phố không hề có thông tin. Đấy là chưa kể tới thành phố phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện đề án. Thực tế, sự vô trách nhiệm trong phát ngôn đã làm “phát lộ” sự vô trách nhiệm của lãnh đạo đối với các Chính sách xã hội, an sinh cũng như đối với người dân thủ đô. Và có thể nhận thấy, trong trường hợp này, quả bóng trách nhiệm đã bị “đá” sang chân một cách vụng về.
Khi chân dung về nhà tài trợ chặt cây được hé lộ, không ít người đã bất ngờ vì chỉ một số công ty cổ phần, ngân hàng, tập đoàn lại có thể điều khiển được UBND thành phố Hà Nội. Cụ thể, theo danh sách các tổ chức tham gia hỗ trợ tài chính cho đề án, có điểm tên của Tập đoàn Vincom, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ Bình Minh, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Hà Thành, Công an Thành phố Hà Nội. Trong đó, theo thông tin ông Hùng cung cấp, Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng đã huy động 30.000 đồng từ mỗi nhân viên, Công an TP.Hà Nội vận động mỗi cán bộ đóng 15.000 - 20.000 đồng…
Có thể có một vài nguyên nhân lý giải cho sự nôn nóng của các nhà tài trợ. Đó có thể vì sự tươi đẹp của phố phường Hà Nội trong nay mai, có thể vì số lượng gỗ bị đốn hạ quá lớn, có thể vì có những lợi ích nhóm móc ngoặc hoặc cũng có thể vì làm đề án thì phải nhanh, tốc độ là hạng ưu tiên… Tuy nhiên, chưa cần tìm hiểu sâu xa những nguyên nhân tiềm tàng ấy, mà điều khó hiểu mang tính chất hệ trọng hơn là phải chăng, chỉ vì khoản đóng góp về kinh phí của các tổ chức trên mà thành phố đã sẵn sàng trao quyền chỉ đạo, điều hành và tự quyết cho các nhà tài trợ.
Và trong trường hợp này, một đề án mang tính chất vĩ mô được thực hiện ở phạm vi trên toàn thành phố, ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ tới các vấn đề dân sinh trên địa bàn nhưng quyền quyết định lại do các nhà tài trợ, vậy trách nhiệm của UBND thành phố đã được thể hiện như thế nào và vai trò quản lý của thành phố đã được đặt ở đâu?
Vũ Đậu