Liên quan vụ cháy dãy quán Karaoke khiến 13 người tử vong, nhiều độc giả đặt câu hỏi về việc liệu Quận Cầu Giấy (tp. HN) có bị liên đới trách nhiệm khi trước đó 10 ngày còn thông tin rằng, công tác PCCC và quản lý hoạt động kinh doanh Karaoke trên địa bàn "được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng quy trình".
Chiều ngày 01/11, một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng đã xảy ra tại địa bàn Quận Cầu Giấy (Hà Nội), thiêu rụi cả dãy quán Karaoke trên phố Trần Thái Tông khiến 13 người thiệt mạng và thiệt hại tài sản vẫn chưa thể thống kê đầy đủ. Vụ việc trên gây hoang mang cho xã hội, đặt ra vấn đề lớn về công tác an toàn phòng cháy cũng như công tác quản lý nhà nước về phòng chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ này. [mecloud]aEwRYf4Hz8[/mecloud]
Thông tin trên báo Tiền phong, bà Trịnh Thị Dung - Phó Chủ tịch UBND Quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn Quận hiện có 88 cơ sở kinh doanh Karaoke; trong đó, tháng 9/2016, Quận đã yêu cầu đóng cửa 8 cơ sở không có giấy phép; 3 cơ sở khác đang làm thủ tục xin cấp phép thì có 2 cơ sở đã xảy ra cháy.
Theo bà Trịnh Thị Dung, quán Karaoke xảy ra hỏa hoạn ở Trần Thái Tông là đang trong quá trình chờ xin cấp phép. Cơ sở này mới chỉ có giấy phép kinh doanh, có xác nhận giám định thiết kế PCCC nhưng chưa có biên bản nghiệm thu PCCC và chưa cấp phép về an ninh trật tự, cấp phép kinh doanh Karaoke. Hai cơ sở còn lại, trong đó có 1 cơ sở cũng đã xảy ra hỏa hoạn là quán Karaoke trên đường Nguyễn Khang.
Cũng theo bà Dung, từ đầu năm 2016 đến nay, quận Cầu giấy đã xử phạt 47 cơ sở vi phạm với số tiền gần 623 triệu đồng. Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu của các quán Karaoke là hoạt động không đúng nội dung, hoạt động quá phạm vi trong giấy phép.
Hiện trường vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến 13 người tử vong. Ảnh: Vũ Đậu |
Tuy nhiên, chỉ cách thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn trên 10 ngày, liên quan tới công tác phòng cháy chữa cháy và giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ ngành nghề Karaoke, trước đó, ngày 21/10, trong một bài viết được đăng tải trên Website của Ủy ban MTTQVN thành phố Hà Nội, thông tin có đoạn: "Qua các báo cáo cho thấy, trong thời gian vừa qua, công tác PCCC và quản lý hoạt động kinh doanh Karaoke trên địa bàn quận đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả theo đúng quy định của nhà nước.
Các cơ quan chức năng đã tổ chức tập huấn các văn bản quy định pháp luật, công tác PCCC cho các hộ kinh doanh; đồng thời thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm trong quá trình hoạt động của các cơ sở kinh doanh.
Kiểm tra thực tế tại một số cơ sở kinh doanh Karaoke trên địa bàn quận cho thấy, nhìn chung các cơ sở kinh doanh đều được cấp đăng ký kinh doanh, vị trí kinh doanh đảm bảo về khoảng cách ở mức tối thiểu, các điều kiện khác như PCCC, đảm bảo an ninh trật tự đều được thực hiện nghiêm túc".
Như vậy, từ thời điểm Quận báo cáo công tác PCCC đến khi xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến 13 người tử vong chỉ cách nhau 10 ngày. Điều này khiến nhiều độc giả bày tỏ băn khoăn về vấn đề có hay không việc Quận sẽ bị liên đới trách nhiệm khi thực tế xảy ra không giống với các số liệu báo cáo.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Kiên - Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý (Đoàn Luật sư tp. Hà Nội) cho rằng, trong trường hợp này, không thể đổ lỗi cho cơ quan quản lý trên địa bàn Quận Cầu Giấy vì cơ quan này đã thực hiện đúng nhiệm vụ của mình. Và theo như thông tin được đăng tải, thì đoàn giám sát đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND các phường, Phòng cảnh sát PCCC và Phòng Văn hóa thông tin Quận về công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý việc chấp hành các quy định của pháp luật, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở hoạt động dịch vụ kinh doanh Karaoke và thực tế kiểm tra giám sát tại một số cơ sở hoạt động dịch vụ kinh doanh Karaoke trên địa bàn quận.
Theo phân tích của Luật sư Lê Văn Kiên, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, trong đó có cơ sở xảy ra hỏa hoạn hôm 1/11 và cũng đã có quyết định dừng việc kinh doanh của quán để hoàn thiện các thủ tục và nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy. Trong trường hợp đã có có quyết định dừng mà người quản lý hoặc chủ quán vẫn cố tình mở cửa đón khách thì khi bị phát hiện, quán sẽ bị xử phạt theo quy định.
Vũ Đậu