Để những "ông trâu" được lên sân thi đấu, các chủ trâu phải đóng cho ban tổ chức hàng chục triệu đồng để lấy "lốt" là chuyện bình thường ở Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Theo các chủ trâu đây là "quy định bất thành văn rồi".
Chỉ cần vào vòng chung kết, chủ trâu đã có lãi. Chủ trâu giải nhất sẽ lãi khoảng vài trăm triệu đồng. Ảnh minh họa |
Lý giải về việc này, trên VietNamNet dẫn lời nghệ nhân Đinh Đình Phú (83 tuổi, chủ trâu ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết: "Muốn trâu được vào thi đấu tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, chúng tôi phải đóng hàng chục triệu đồng. Như phường tôi năm nay, trước khi trâu ra trận, chủ trâu phải đóng tới 60 triệu đồng. Cá nhân tôi không đồng tình với việc này nên năm nay tôi chỉ đóng 25 triệu. Tôi là nghệ nhân, là một trong những người góp công khôi phục lễ hội nên chính quyền cũng có phần ưu đãi".
Ông Phú cũng cho hay, khi lễ hội chọi trâu mới được khôi phục, trâu do làng góp tiền mua rồi để "thợ" huấn luyện để tham gia thi đấu. Đấu xong tế thần rồi lại mổ khao làng. Tuy nhiên, những năm gần đây khi lễ hội chọi trâu được mở rộng, thì Ban tổ chức lại yêu cầu đóng hàng chục triệu đồng/trâu.
Trong khi đó, nghệ nhân Hoàng Gia Bổn (58 tuổi, trú tại phường Ngọc Xuyên) cho biết, việc các chủ trâu phải đóng số tiền khá lớn về phường để phường cùng với Ban tổ chức lấy kinh phí tổ chức lễ hội là việc làm đương nhiên mỗi mùa hội đến, điều này như một "quy định bất thành văn".
Nhiều chủ trâu ở Đồ Sơn cũng cho biết, họ đóng tiền vào để được tham gia thi đấu. Từ trước đến nay ai muốn đưa trâu đi chọi là đã tự hiểu phải đóng tiền. Đó là quy định rồi.
Về việc này, ông Nguyễn Khắc Hạnh - Chủ tịch UBND phường Ngọc Xuyên (Đồ Sơn, Hải Phòng) cho biết, việc chủ trâu đóng góp bao nhiêu cho phường hoàn toàn tự nguyện. Năm nay có một chủ trâu đóng 25 triệu, 3 chủ trâu đóng 30 triệu đồng.
Ông Hạnh cho biết, số tiền này sẽ được UBND phường dành cho công tác tế lễ ở đình và trang trải cho các khoản thu ở lễ hội. Cụ thể, UBND phường sẽ đóng 4,5 triệu đồng tiền phí giết mổ cho mỗi trâu chọi vào tháng 8 (âm lịch) tới, 1 triệu đồng phí chuồng ở sới chọi. Số tiền còn lại sẽ được duy tu xây dựng đình và mua quà tặng cho các chủ trâu vào vòng chung kết.
Trên Dân trí dẫn lời ông Đinh Xuân Nguyên - Giám đốc Trung tâm VHTT quận Đồ Sơn, Phó Ban tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng cho biết, không có chuyện đóng luật mà do kinh phí để tổ chức lễ hội là nguồn xã hội hóa nên các chủ trâu tự nguyện đóng góp.
Ông Nguyên cũng cho biết, vì là xã hội hóa nên có thể người góp 25 triệu, người góp tới 60, 70 triệu... thậm chí 100 triệu.
Nuôi 1 "ông trâu" hết 250 triệu, giải chỉ 100 triệu: Vì sao chủ chọi trâu vẫn tranh giải?
Theo các nghệ nhân nuôi trâu chọi, chi phí cho mỗi con trâu ra đến sới chọi khoảng trên dưới 250 triệu đồng. Trong khi đó, giải cao nhất của cuộc thi trâu chọi hàng năm chỉ là 100 triệu đồng.
Vậy nhưng vẫn rất nhiều chủ trâu sẵn sang bỏ thêm vài chục triệu để mua lốt tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lý giải điều này, trên Tri thức trực tuyến dẫn lời anh Lê Văn Võ (37 tuổi, một chủ trâu phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn), cho biết: “Với mỗi 'ông' trâu, tôi chi ra khoảng hơn 200 triệu đồng. Nhưng nếu được vô địch thì sẽ đem danh tiếng, vinh dự về cho gia đình và cả dòng họ. Đó là thứ mà những kẻ có nhiều tiền cũng không mua được”.
Theo anh Võ, trên lý thuyết thì là vậy nhưng thực tế, chỉ cần vào vòng chung kết, chủ trâu đã có lãi. Chủ trâu giải nhất sẽ lãi khoảng vài trăm triệu đồng.
Một bậc cao niên của phường Vạn Hương (quận Đồ Sơn) cho biết: “Giá thịt trâu Đồ Sơn tăng cao kể từ khi có lễ hội chọi trâu. Năm 2014, 2015 thịt trâu chọi đoạt giải nhất có giá 5 triệu – 6 triệu/kg mà không đủ đáp ứng phục vụ du khách và người dân Đồ Sơn.
Trâu chưa giết mà người xếp hàng đông như kiến cỏ. Những con trâu không được giải cũng mổ thịt luôn và giá khoảng 3 triệu đồng/kg. Tùy vào từng năm và tùy vào mỗi giải “ông trâu” thi đấu giành được mà giá thịt trâu chọi có sự khác biệt. Nhưng tôi thấy giá trâu chọi toàn tiền triệu trong khoảng 8,9 năm trở lại đây”.
Đức Hòa (tổng hợp)