Liên quan đến đề xuất cho các phương tiện khác đi vào làn buýt nhanh, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị - đơn vị đề xuất hoạt động trên khẳng định, đơn vị này chỉ đang nghiên cứu, chưa có đề xuất nào.
Ghi nhận thực tế thời gian qua khi chưa có đề xuất, hàng nghìn ô tô xe máy vẫn bất chấp lệnh cấm, vô tư đi vào làn đường dành cho buýt nhanh BRT. Ảnh: Dân trí
"Chúng tôi chỉ đang nghiên cứu, tìm hiểu chứ chưa đề xuất với thành phố, nói đề xuất là chưa đúng, người dân nói việc làm này còn chưa hợp lý chúng tôi sẽ tiếp nhận và nghiên cứu kỹ hơn. Khi nào cảm thấy hợp lý chúng tôi mới có đề xuất.
Việc cho xe buýt thường vào làn BRT là thật nhưng chỉ một số điểm, không phải áp dụng cho tất cả tuyến buýt nhanh", ông Hải nhấn mạnh.
Mới đây, trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) vừa đề xuất với thành phố về việc sử dụng làn đường ưu tiên của xe buýt nhanh (Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã) cho các phương tiện khác hoạt động.
Theo đó, các tuyến buýt thường cùng lộ trình với buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã sẽ được lưu thông vào đường BRT từ 4h sáng đến 23h. Ngoài ra, các phương tiện khác được sử dụng đường BRT từ 23h đến 4h sáng hôm sau.
Trung tâm cũng đề xuất xén vỉa hè để di chuyển 10 điểm dừng xe buýt tiếp cận với nhà chờ BRT để giảm khoảng cách đi bộ của hành khách trung chuyển với xe buýt thường xuống dưới 100m.
Trung tâm cũng đề xuất cải thiện hạ tầng cho người khuyết tật sử dụng xe lăn tiếp cận nhà chờ BRT; bố trí dải phân cách cứng giữa làn BRT và làn đường giao thông chung để hạn chế tình trạng các phương tiện khác đi lấn vào làn đường BRT.
Đồng thời, tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà chờ của tuyến BRT tạo thuận lợi để hành khách gửi xe cá nhân chuyển sang sử dụng tuyến BRT; rà soát và lắp đặt đèn tín hiệu ưu tiên cho hành khách sang đường tiếp cận nhà chờ sử dụng BRT.
Tuyến buýt nhanh BRT 01 tới đây sẽ sử dụng thẻ vé điện tử; bổ sung bảng thông tin cho hành khách, thông báo bằng âm thanh tại các nhà chờ; nghiên cứu và thiết kế, bố trí thêm nhà vệ sinh tại một số nhà chờ chính.
Ý tưởng này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của nhiều người, đa phần cho rằng việc làm này chưa hợp lý. Nhiều người cho rằng việc đưa buýt thường vào làn BRT chạy cùng nhau như vậy thì không có sự khác biệt giữa buýt nhanh và buýt thường.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, nếu điều chỉnh được thời gian và sắp xếp thì đây cũng là một đề xuất hợp lí.
Đức Hòa (tổng hợp)