(Tinmoi.vn) Theo thống kế từ Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 12/2, chưa đầy 1 tháng trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2 người chết, 8 người bị thương do bị chó dại cắn.
Theo tin tức từ ông Lê Hồng Sơn, cán bộ phòng dịch tễ (trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa), thời gian gần đây trên địa bàn xuất hiện loại bệnh dại ở chó khiến 2 người chết, 8 người bị thương đang phải cấp cứu, điều trị tại bệnh viện.
Trường hợp tử vong thứ nhất là ông Vũ Văn Phúc (55 tuổi), trú xã Xuân Bình, huyện Như Xuân.
Ngày 24/12/2013, ông Phúc bị chó cắn vào chân, nghĩ đó là bình thường nên không đi tiêm phòng dại. Mãi đến ngày 23/1, gia đình thấy ông Phúc sốt, biểu hiện sợ nước, sợ gió nên đưa vào bệnh viện điều trị thì được bác sĩ chuẩn đoán ông bị bệnh dại, và ông Phúc đã chết sau đó hai ngày.
Trường hợp thứ hai vào ngày 22/1, cháu Dương Đình Ngọc Sơn (4 tuổi), trú thôn 4, xã Thiệu Dương, TP.Thanh Hóa bị chó của nhà hàng xóm cắn vào vùng đầu.
Đến ngày 28/1, gia đình cháu Sơn mới đưa con đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại. Tuy nhiên, thời gian tiêm thuốc quá muộn nên đến ngày 8/2 cháu Sơn có biểu hiện giật mình, liên tục lên cơn sốt và nôn. Được người nhà đưa vào bệnh viện nhi Trung ương cấp cứu nhưng cháu đã chết ngay sau đó.
Còn 8 người bị thương do chó dại cắn, ban đầu cũng chủ quan xem đó là chuyện bình thường. Đến khi xuất hiện các chiệu chứng như sốt, co giật, sợ nước, gió… thì người thân mới đưa vào bệnh viện cấp cứu thì tất cả đều trong tình trạng nguy kịch.
Trước thực trạng trên ngành thú ý tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương tổ chức tiêm phòng 100% đàn chó, đàn mèo trong vùng dịch.
Ông Lê Văn Luận, quyền Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa cho hay, bệnh dại là một trong những bệnh gây tử vong đứng đầu các bệnh truyền nhiễm. Nguyên nhân dẫn đến những trường hợp thương vong như trên xuất phát từ thái độ chủ quan của người dân.
Sự thiếu qua tâm chỉ đạo của chính quyền các cấp và ý thức của người dân quá kém cũng là nguyên nhân chính khiến dịch chó dại đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Cũng theo ông Luận: “Khi chó cắn nghi dại, cách tốt nhất để cứu sống bệnh nhân là tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin dại kịp thời. Trước hết, cần nhanh chóng rửa vết thương thật kỹ bằng xà phòng và rửa lại thật sạch vết thương bằng nước sạch, sát khuẩn bằng cồn, cồn iốt hoặc bêtadin để phòng nhiễm khuẩn vết thương, sau đó khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khâu vết thương (nếu bị rách nhiều) và tiêm huyết thanh kháng dại, vaccin dại và huyết thanh chống uốn ván (đề phòng bệnh uốn ván)”.
P.V