Trường cao đẳng Dự bị đại học Bhagat tại Haveri, bang Karnataka tây nam Ấn Độ đã thực hiện một biện pháp mới nhằm chống gian lận thi cử, theo giám đốc quản lý M.B. Sateesh.
Một nhân viên của trường đã chụp ảnh sinh viên ngồi thành hàng gọn gàng, đầu bị thùng các tông che khuất. Mặc trước của chiếc thùng đã được cắt ra giúp sinh viên nhìn được bàn và tờ đề thi nhưng sẽ hạn chế tầm nhìn của họ, tương tự như những tấm vải che mắt ngựa.
Các bức ảnh do một nhân viên nhà trường đăng lên Facebook và nhanh chóng lan truyền. Trước đó không lâu, nhà trường đã phải đối mặt với sự chỉ trích rộng rãi trên mạng xã hội. Ngay cả những quan chức chính phủ, trong đó có ông S. Suresh Kumar, bộ trưởng giáo dục của bang cũng nói hành động của trường là "không thể chấp nhận được". "Không ai có quyền đối xử với sinh viên như động vật như vậy. Chuyện này sẽ được xử lý một cách thích đáng".
Nhà trường đã cung cấp bản tường trình cho nhà chức trách và gửi lời xin lỗi, ông Sateesh cho biết.
Ông Sateesh nhấn mạnh rằng thử nghiệm này là không bắt buộc, nhà trường đã thông báo trước cho phụ huynh và chỉ những sinh viên có phụ huynh đồng ý mới tham gia. Trong số 72 sinh viên làm bài thi giữa kỳ hôm đó chỉ có 56 em thử nghiệm đội thùng các tông lên đầu. "Các em nói cảm thấy thoải mái với thử nghiệm này. Nhà trường không gây phiền toái cho bất cứ sinh viên nào, đó là tùy chọn, một số sinh viên đã thử, một số thì không", ông Sateesh cho biết.
Các sinh viên đã tự mang những chiếc hộp này đến trường và nhiều người tháo chúng ra sau 15-30 phút. Nhà trường yêu cầu tất cả sinh viên tháo hộp trong vòng một giờ khi thi.
Theo CNN, ngôi trường đã phải đối mặt với vấn đề gian lận phổ biến và kéo dài vào năm ngoái, chính vì vậy họ mới đưa ra những thử nghiệm chống gian lận như việc đội hộp bìa các tông này.
Những năm gần đây có một số vụ gian lận thi cử khắp Ấn Độ. Một trong những vụ bê bối đặc biệt nổi tiếng là vào năm 2015, phụ huynh và người nhà sinh viên tại bang Bihar đã trèo qua tường bao của trường học để ném phao cho con.
Trong nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, giáo dục là thứ hàng hóa quý giá. Nó được xem như chìa khóa giúp phần lớn dân số thoát khỏi nghèo đói. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là nhiều sinh viên bị áp lực đè nặng, không chỉ là những kỳ thi mà còn phải đạt điểm cao bằng mọi giá.
Các nhà phê bình cho rằng áp lực này chính là động lực dẫn đến gian lận và gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần của học sinh. Đầu năm nay, 19 học sinh tại bang Telangana, minef nam Ấn Độ đã tự tử sau khi kết quả bài thi được công bố.