Năm nào cũng vậy, cứ tầm bắt đầu từ sau Tết Nguyên đán, các gia đình có con vào các lớp đầu cấp bắt đầu rục rịch chuyện “xin xỏ” và ngày càng nóng hơn khi năm học vừa kết thúc.
Muôn nẻo “chạy” trường
Vài năm qua cán bộ Phòng GDĐT quận Thủ Đức (TPHCM) từng “lao đao” vì số lượng hồ sơ có “gốc gác” ở tỉnh Bình Dương nhưng nhập hộ khẩu hoặc làm KT3 tại Thủ Đức quá nhiều. Một số trường quy định KT3 phải được cấp trên sáu tháng, có trường quy định KT3 ít nhất một năm, thì phụ huynh lại lách bằng cách đăng ký tạm trú từ lúc con mới… 4 tuổi. Tuy nhiên, với một số quận trung tâm, chuyện “chạy” trường thông qua cách chạy hộ khẩu, tạm trú nay không còn gây ồn ào nữa bởi hồ sơ của học sinh sẽ được xét ưu tiên theo thời gian sinh sống tại địa bàn và ưu tiên trẻ ở cùng cha mẹ. Tuy nhiên, không “chạy” được theo cách truyền thống thì vẫn còn vô vàn chiêu “biến hóa”, lách luật để chạy trường cho con...
Anh Huỳnh Ngọc Sơn có hộ khẩu tại quận Thủ Đức nhưng đang “chạy” cho con vào một trường tiểu học có tiếng tại Q.1 hé lộ: “Tôi sẽ nhờ người quen vào trường xin nộp sổ vàng và gửi hồ sơ cho con. Gọi là sổ vàng nhưng đó là hình thức đầu tư tự nguyện cho trường”. Anh giải thích thêm, nhà trường không công khai việc thu sổ vàng mà chỉ có một mẫu đơn dành cho phụ huynh trái tuyến với nội dung tôi là A, phụ huynh của bé B, ngụ tại đâu, có mong muốn được học tại trường... Để góp phần phát triển cơ sở vật chất cho nhà trường và cũng tạo điều kiện tốt hơn cho việc học của con tôi, tôi tự nguyện đăng ký hỗ trợ nhà trường số tiền là... để tu bổ, xây dựng cơ sở vật chất.
Theo anh Sơn, không phải ai cũng biết và cũng có được tờ đơn này, nếu như không có quan hệ vì số đơn phát ra rất hạn chế, chỉ dành cho những người có chút quen biết với nhà trường. Theo tìm hiểu của anh, không chỉ Q.1 mà Q.3 cũng có một số trường tiểu học áp dụng cách làm này nhưng có thay đổi chút ít theo từng năm hoặc nhận “vật chất” thay vì tiền mặt.
Năm học vừa rồi, đã có phụ huynh một trường tiểu học ở Q.3 còn đưa một lực lượng hùng hậu từ công ty xây dựng của mình tới đòi lát gạch mới cho sân trường ngay sau khi vừa nộp hồ sơ cho con mà chưa biết kết quả xét tuyển.
“6.000USD chưa chắc đã xin được”
“Những trường tiểu học có thương hiệu như Lê Ngọc Hân, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng tại Q.1; Minh Đạo, Chính Nghĩa tại Q.5; Nguyễn Văn Trỗi tại Q.4; THCS thì có Nguyễn Du, Trần Văn Ơn, Võ Trường Toản tại Q.1; Lê Quý Đôn tại Q.3... luôn là đích nhắm của rất nhiều phụ huynh”, lãnh đạo một phòng GDĐT phân tích. Cách chạy trường phổ biến và công khai nhất hiện nay vẫn là thông qua các mối quan hệ mà đầu mối chính là những người làm quản lý trong ngành giáo dục.
Chị T.H.T có con năm nay vào lớp 6 cho biết, chị đang nhờ người xin hộ cho con vào một trường THCS nổi tiếng của Q.1, mặc dù con chị có điểm thi cuối cấp tiểu học đạt 20 điểm nhưng do trái tuyến nên để vào được trường như mong muốn, chị phải móc nối quan hệ với người này người khác. Chị tiết lộ: “Tôi nhờ người quen xin hộ, họ nói giá chung là 6.000USD/suất mà không phải ai cũng xin được đâu, vì trường này nhận trái tuyến ít lắm. Nhiều người sẵn sàng chi nhiều hơn mà còn không xin được kìa”. Còn muốn xin trái tuyến vào một trường THCS khác tại Q.3, nếu quen trực tiếp thì có giá 30 triệu đồng, còn nếu “chạy” lòng vòng qua người này người khác thì cũng phải đến 5.000USD.
Chị Đ.T.H mới chuyển công tác từ Hà Nội vào TPHCM mang theo cô con gái nhỏ năm nay lên lớp 2. Kể về chuyện xin học cho con, chị cho biết: “Tôi cũng tìm hiểu thông tin về một số trường trong Q.1 nơi tôi ở, cũng muốn xin cho con vào trường có tiếng nhưng họ bảo, chuyển trường phải chi 2.000USD mới được, còn với những bé bắt đầu vào lớp 1 thì giá là 5.000USD”.
Hiệu trưởng một trường tiểu học nói thẳng thắn: “Chuyện chạy trường là chuyện có qua có lại. Quy định là quy định nhưng bao giờ cũng có những trường hợp ưu tiên đặc biệt. Năm ngoái phòng giáo dục quận này có gửi một vài trường hợp trái tuyến vào trường kia, đổi lại ban giám hiệu trường kia cũng được vài suất ưu tiên nếu muốn xin qua những trường thân quen với phòng giáo dục đó. Lợi dụng những mối quan hệ này, một số người trung gian đã “làm giá”, nhận tiền của phụ huynh trong khi người trực tiếp chạy trường không nhận đồng nào”.
Ông Phạm Xuân Đông - Phòng GDĐT Q.7 cho biết, chính sự quan tâm của phụ huynh tạo nên chất lượng và khoảng cách của các trường khiến tình trạng “chạy” trường thêm căng thẳng.
Để tránh “có tiếng mà không có miếng” từ những lời đồn thổi giá vào trường này, trường kia là bao nhiêu, không ít trường tiểu học đã phải tổ chức gặp trực tiếp các phụ huynh trái tuyến và cả người trung gian để thông báo về việc hồ sơ của con em họ được xét trên cơ sở hội đủ các điều kiện ưu tiên, nhà trường hoàn toàn không nhận một đồng nào từ phía phụ huynh cũng như người trung gian.
Tham nhũng đã trở thành… chuẩn mực
Cuối năm 2013, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã tiến hành khảo sát "tham nhũng trong giáo dục phổ thông". Theo các phân tích và khuyến nghị của 70 chuyên gia từ hơn 50 quốc gia trên thế giới, nhóm nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân đầu tiên của tình trạng "chạy" trường tại Việt Nam là do nhu cầu lớn. Kết quả khảo sát cho thấy, việc "chạy" trường được nhiều người chấp nhận. Có 67% số phụ huynh coi chuyện này là bình thường. “Việc khoảng 30% số phụ huynh tìm cách xin cho con vào học ở trường "điểm" trái tuyến dẫn tới sự hình thành một hệ thống ngầm có liên quan tới những người môi giới thứ ba xúc tiến cho quá trình này”. Nhóm nghiên cứu chỉ ra "tác động lớn nhất của tham nhũng trong tuyển sinh là làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục".
"Đưa hối lộ để được nhận vào trường "điểm" đã được coi là hiện tượng thông thường mà chỉ có các gia đình khá giả mới có điều kiện thực hiện, từ đó khiến cho trẻ em ở các gia đình nghèo phải chịu thiệt thòi", báo cáo diễn giải. Một nguy cơ khác mà báo cáo cảnh báo: Bản chất lan rộng của những hành vi như "chạy" trường khiến cho tham nhũng đang trở thành chuẩn mực xã hội hơn là ngoại lệ. Trong khi đó, các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở GDĐT chỉ có tác dụng khiêm tốn và ngắn hạn.
Năm học 2014-2015, TPHCM sẽ có 119.614 học sinh vào lớp 1, 110.935 học sinh lớp 6. Đối với việc tuyển sinh lớp 1, công tác tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1.7 và công bố kết quả trúng tuyển vào ngày 31.7. Công tác tuyển sinh học sinh lớp 6 được các trường THCS tổ chức xét tuyển từ ngày 16.6 và công bố kết quả ngày 15.7. Theo quy định của Sở GDĐT TPHCM, từ đầu tháng 3 vừa qua, Phòng GDĐT của 24 quận, huyện đã chốt danh sách, gửi về Sở GDĐT kế hoạch tuyển sinh đầu cấp với thống kê số lượng trường, lớp và chỉ tiêu tuyển sinh trên địa bàn. Theo đó, năm học 2014-2015, thành phố không tuyển học sinh trái tuyến mà tuyển sinh theo nguyên tắc, học sinh ở phường, xã nào sẽ được UBND phường, xã gửi giấy mời đến nhập học tại các trường đóng trên địa bàn phường, xã đó. Sở GDĐT cũng yêu cầu, Phòng giáo dục các quận, huyện cùng các trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh đúng quy định nhằm ngăn chặn tiêu cực trong việc “chạy” trường.