Ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - Chủ đầu tư BOT Cai Lậy cho biết, doanh nghiệp mong muốn Nhà nước mua lại dự án bằng vốn ngân sách.
Trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang) đang tạm dừng thu phí để Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ vấn đề, đồng thời đề xuất phương án giải quyết.
Trao đổi trên báo Tiền Phong về đề xuất của các chuyên gia việc nhà nước bỏ tiền mua lại một phần, hoặc toàn bộ dự án BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy cho biết: "Dưới góc độ nhà đầu tư, chúng tôi sẵn sàng trả lại trạm nếu Nhà nước trả đủ tiền. Nhưng mong được nhìn nhận vấn đề khách quan, toàn diện và lâu dài".
Thông tin thêm trên tờ Vnexpress, một thành viên HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư BOT Cai Lậy cho biết), doanh nghiệp mong muốn Nhà nước mua lại dự án bằng vốn ngân sách, song điều này khó khả thi trong điều kiện vốn đầu tư hạ tầng hạn chế.
Do vậy, nhà đầu tư vẫn đề nghị giữ nguyên trạm thu phí như hiện nay, có thể giảm phí thêm với xe nhóm 4, 5 (xe tải trọng lớn, container) để phương án tài chính của dự án được đảm bảo.
Với phương án khác dời trạm BOT sang tuyến tránh thì dự án phải thu phí đến 30 năm (hiện nay là 7 năm), lưu lượng xe ít trên tuyến tránh sẽ khiến dự án thất thu phí, gây nợ xấu cho ngân hàng.
Thủ tướng đã quyết định tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy trong 1 tháng để xem xét các vấn đề liên quan. Ảnh: Zing/Tri thức trực tuyến |
"Doanh nghiệp dự án đang phải trả ngân hàng lãi vay và chi phí vận hành tuyến đường khoảng 20 tỷ đồng mỗi tháng. Nếu không đảm bảo thu phí thì hợp đồng ba bên nhà nước - ngân hàng - doanh nghiệp bị phá vỡ. Có thể các bên phải đưa nhau ra tòa để giải quyết", vị này nói.
Trước đó, theo Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông, trong cuộc họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 4/12, Bộ đã đưa ra ba kịch bản để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy.
Kịch bản thứ nhất, vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông. Ví dụ có chỗ cho lái xe dừng lại khi họ thắc mắc và nội dung thắc mắc sẽ được giải thích.
Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh theo yêu cầu, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Theo ông Đông, kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí.
"Theo tính toán thì phương án này không khả thi vì thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết của hiệp định vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng", ông Đông nói.
Còn kịch bản thứ ba, Bộ đưa ra là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.
Giang Trần (tổng hợp)