"Chủ quyền quốc gia dứt khoát không thể nhân nhượng. Tổ tiên chúng ta để lại chủ quyền này thì chúng ta phải giữ bằng mọi giá", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định.
Ngày 17/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi tiếp xúc cử tri quận 4, TP HCM.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng trước các diễn biến phức tạp trên biển Đông, nhất là việc Trung Quốc ngang nhiên bồi lấp các đảo chìm ở vùng biển Trường Sa, ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá của bà con ngư dân trên biển. Cử tri cho rằng Quốc hội và Nhà nước phải đấu tranh quyết liệt hơn trong việc giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, cử tri phường 4, cho rằng hành vi trên của Trung Quốc là gặm nhấm từ từ và thu hẹp dần quyền quản lý hợp pháp của Việt Nam về chủ quyền biển đảo; tiến đến việc khống chế không phận, hải phận và ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
“Đây là động thái thách thức đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Rất mong Quốc hội, nhà nước quyết liệt hơn về mặt ngoại giao và có những biện pháp bảo vệ ngư trường của Việt Nam”, ông Tuấn đề nghị.
Trước trăn trở của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, việc Trung Quốc mở rộng các đảo chìm, ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá của bà con ngư dân Việt Nam là hành động phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế, thách thức dư luận.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.4, TP.HCM - Ảnh: Thanh niên |
Chủ tịch nước cho biết, trong luật Biển và luật Biên giới quốc gia đã được Quốc hội thông qua, chúng ta đều nhất quán khẳng định với đầy đủ chứng cứ pháp lý là Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chiếm giữ Hoàng Sa bằng vũ lực. Đối với khu vực biển Trường Sa thì giữa các bên có liên quan đã có thỏa thuận giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình. Thế nhưng, Trung Quốc đã đi ngược các cam kết, thỏa thuận song phương lẫn đa phương.
Về tình hình hiện nay, theo Chủ tịch nước, ở Trường Sa đang có 7 đảo chìm bị Trung Quốc chiếm đóng, bồi lấp để biến thành đảo nổi và đưa ra yêu sách phần lãnh hải 12 hải lý. Có đảo chìm đã mở rộng trên 250 ha. Số công nhân lên đến hơn 2.000 người ngang nhiên làm cả ngày lẫn đêm. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng họ vẫn cứ làm. Đây là một thách thức rất lớn về mặt chủ quyền của Việt Nam. Lịch sử VN chưa bao giờ đi xâm chiếm ai. Tuy nhiên, nếu cứ bị áp bức, bị xâm chiếm thì dân tộc VN sẽ vùng lên đấu tranh. Ngày xưa cũng vậy và trong hoàn cảnh bây giờ chắc chắn cũng sẽ như vậy.
“Anh đã cam kết (giữ nguyên trạng - PV) với tôi rồi nhưng anh thì cứ mặc kệ. Anh không thi hành nhưng lại bảo tôi thi hành. Như vậy thì đâu có được!”, Chủ tịch nước nói.
Ông nhấn mạnh: "Chủ quyền quốc gia dứt khoát không thể nhân nhượng. Tổ tiên chúng ta để lại chủ quyền này thì chúng ta phải giữ bằng mọi giá. Dứt khoát không nhân nhượng và cũng không phải sợ gì cả. Phải bảo vệ triệt để chủ quyền”.
Về biện pháp giải quyết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, mọi người hết sức tỉnh táo, bình tĩnh trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, tuân thủ quy định của pháp luật. Việc giải quyết vấn đề biển Đông phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình ổn định, an ninh và an toàn ở khu vực, với mục tiêu là hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
H.M (tổng hợp)