Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Tại sao cứ xin lùi Luật Biểu tình mãi? Không làm được hay không chịu làm?".
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Ảnh VGP |
Sáng ngày 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII khai mạc phiên họp lần thứ 45.
Đây là kỳ họp nhiều nội dung quan trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra vào tháng 3/2016.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 thì tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua bảy dự án luật và cho ý kiến một dự án luật khác.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tờ trình của Chính phủ xin rút dự án Luật Biểu tình ra khỏi chương trình kỳ họp tới của Quốc hội.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết dự án Luật biểu tình qua thảo luận tại Chính phủ vẫn còn những ý kiến rất khác nhau về những nội dung lớn trong dự án luật. Cụ thể như về đối tượng điều chỉnh của dự án luật, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật biểu tình tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIII.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Tại sao cứ xin lùi Luật Biểu tình mãi? Không làm được hay không chịu làm?". "Luật này Quốc hội bàn trực tiếp rồi, Bộ Chính trị cũng đã quyết định đưa vào chương trình rồi mà cứ bàn ra bàn vào mãi việc lùi luật này là không nghiêm túc”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Thường vụ Quốc hội không đồng ý với việc lùi. Chính phủ chưa trình dự luật này ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi đã biết nội dung như thế nào đâu mà bảo là cho lùi? Tôi cho rằng như vậy là việc làm thiếu nghiêm túc”, dẫn nguồn tin từ báo Dân trí trích lời Chủ tịch Quốc hội.
Cũng không đồng tình với đề nghị lùi Luật Biểu tình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ: "Cần đảm bảo thời gian trình Luật biểu tình. Quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân, đã đề cập từ năm 1945 rồi, cứ lùi đi lùi lại mãi, bây giờ lùi đến bao giờ? Đây là vấn đề nếu chúng ta cứ lùi mãi thì hoàn toàn không có lợi về mặt chính trị". Dẫn nguồn tin từ báo Tuổi trẻ trích lời ông Hiện cho biết.
Cùng đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng-An ninh khẳng định Luật Biểu tình này là rất quan trọng, cần phải làm ngay luật này để đảm bảo quyền con người quyền công dân trong Hiến pháp, đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường trật tự xã hội.
K. Duy (tổng hợp)