"Chúng tôi xin hứa khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ triển khai ngay, không chần chừ kéo dài giải quyết vấn đề ở khu đô thị mới Thủ Thiêm nữa", Chủ tịch UBND TP HCM nói tại buổi tiếp xúc người dân.
Ông Nguyễn Thành Phong tiếp xúc người dân Thủ Thiêm. |
Ngày 14/11, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi tiếp xúc với các hộ nằm trong ranh quy hoạch dự án khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), để trao đổi về Chính sách hỗ trợ, bổ sung.
Kết thúc buổi tiếp xúc với người dân, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ : "Trên tinh thần cầu thị lắng nghe, chúng tôi hiểu và chia sẻ với những vấn đề bức xúc của người dân. Chúng tôi mong muốn bà con hợp tác với chính quyền giải quyết các vấn đề ở khu đô thị mới Thủ Thiêm vì các lợi ích chính đáng của bà con và sự phát triển của thành phố".
Người dân trao đổi ý kiến với đại diện chính quyền tại buổi tiếp xúc. |
Người đứng đầu UBND thành phố cho biết đây là cuộc gặp thứ 3, trước đó chúng tôi đã có cuộc gặp với người dân ngoài ranh và người dân ở 2 phường khác.
"Qua các buổi tiếp xúc cho thấy quan điểm của người dân là kết luận thanh tra mang tính nội bộ, chưa toàn diện. Chúng tôi thông báo tới bà con là Thủ tướng Chính phủ đã có công văn gửi UBND TP HCM thực hiện thanh tra. Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng", ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Chủ tịch UBND TP HCM cho biết thành phố đã thành lập 1 tổ công tác có các ban ngành liên quan và báo cáo Thành ủy dựa trên "nghiên cứu và đề xuất của tổ công tác, lắng nghe ý kiến của người dân". Ông Phong cho biết sẽ lắng nghe những ý kiến chưa đồng tình, đề nghị bổ sung của bà con Thủ Thiêm.
"Nếu bà con chưa đồng tình với 10 vấn đề ở khu đô thị mới Thủ Thiêm thì cùng đề xuất hợp tác, lấy ý kiến để đề ra phương án giải quyết. Về vấn đề 160 ha, Chính phủ đã cho thành lập 1 tổ công tác có UBND TP HCM tham gia để rà soát lại vấn đề này. Đối với những bức xúc của bà con, chúng tôi sẽ kiểm tra và có thông báo sau", ông Phong nói.
Đối với những hạn chế sai sót của đơn vị thực hiện khu đô thị Thủ Thiêm vừa qua, trong đó có 4,3 ha nằm ngoài ranh, để sữa chữa thành phố tiếp úc với người dân, Chủ tịch UBND thành phố cho biết: "Đối với ý kiến của người dân về việc ngoài lô đất 4,3 ha được kết luận nằm ngoài ranh, còn 4 khu phố nữa nằm ngoài ranh thì tôi đã lắng nghe và báo cáo trung ương. Lúc đó Thủ Tướng Chính phủ sẽ xem xét, điều này vượt quá thẩm quyền của chúng tôi".
Trả lời những bức xúc của người dân về 160 ha tái định cư "được giao cho doanh nghiệp", ông Phong khẳng định sẽ xử lý theo nguyên tắc "sai ở đâu thì sẽ sửa, liên quan đến trách nhiệm của ai thì sẽ xử lý".
"Chúng tôi xin hứa khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ triển khai ngay, không chần chừ kéo dài vấn đề ở khu đô thị mới Thủ Thiêm nữa. Tôi biết rõ tình hình, để vấn đề Thủ Thiêm kéo dài cũng trì hoãn sự phát triển của thành phố".
Trước đó, ngày 7/11, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã cuộc gặp gỡ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của các hộ dân thuộc 2 phường Bình An và Bình Khánh (quận 2).
"Nếu không thật tâm, tôi không dành nhiều thời gian tổ chức các buổi tiếp dân, lắng nghe kỹ các ý kiến của bà con. Việc giải quyết được vấn đề Thủ Thiêm sẽ giải quyết được vấn đề của người dân và sự phát triển của địa phương. Lãnh đạo TP rất cầu thị lắng nghe", ông Phong nói.
Ông Phong cho rằng lãnh đạo TP rất quan tâm lắng nghe ý kiến của người dân về các chính sách giải quyết vấn đề liên quan tới khu đô thị mới Thủ Thiêm trước khi có những báo cáo Thường trực Thành ủy và Thủ tướng.
10 nội dung chính quyền TP HCM xin ý kiến người dân:
1. Điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường thiệt hại cho người dân Thủ Thiêm, không tính thời điểm Nghị định 34 có hiệu lực nữa, mà tính theo thời điểm thu hồi đất.
2. Bồi thường hỗ trợ đối với đất do dân tự khai phá, canh tác. Mức hỗ trợ về chi phí bồi thường và tái định cư, đưa về thời điểm 1997.
3. Hỗ trợ các trường hợp có nguồn gốc lấn chiếm, sông, kênh rạch từ năm 1993 đến 1998.
4. Hỗ trợ đối với đất lấn chiếm sông, kênh rạch từ có nguồn gốc từ 1998-2002.
5. Xem xét chính sách hỗ trợ đối với các trường hợp thuê đất do Nhà nước quản lý để kinh doanh.
6. Các trường hợp thuê đất do Nhà nước trực tiếp quản lý, thời điểm 15/10/1993 đến năm 2002.
7. Các trường hợp nhà đất ở bị giải tỏa một phần.
8. Các trường hợp đã chuyển thành đất ở nhưng không trực tiếp ở, làm kho, chuồng trại...Đất nông nghiệp không dùng để ở cũng được xem xét điều chỉnh.
9. Điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen trong khu đất ở.
10. Đất tự chuyển đất nông nghiệp thành đất ở trước ngày 10/5/2002.