Sự kết nối kỳ diệu trên Facebook, cha con tìm được nhau sau 30 thất lạc, giọt nước mắt lăn dài suốt những tháng ngày đằng đẳng tìm kiếm, chờ đợi trong vô vọng cuối cùng cũng được đền đáp, sự “đoàn tụ” nhờ trang mạng xã hội như 1 câu chuyện cổ tích thời hiện đại.
Vừa xuống sân bay đi thử AND
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm con không thành, nhiều đêm ông Lê Đại Phong (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) trằn trọc với những suy nghĩ mông lung, không biết liệu trong quỹ thời gian ít ỏi còn lại của kiếp người hữu hạn, biết có tìm được đứa con trai ông chưa 1 lần gặp mặt, giọt máu được hình thành từ tình yêu đẹp đẽ, thơ mộng với cô gái Đức. Sự day dứt, dằn vặt kéo dài suốt 30 năm qua khiến ông lúc nào cũng đau đáu nỗi niềm về đứa con bên trời Tây. Những khó khăn trong cuộc sống cơm áo đè nặng đôi vai cùng với khoảng cách xa vời vợi về địa lý…càng làm cho mong mỏi của ông ngày 1 xa vời.
Bỗng tình cờ thông tin về 2 cha con được kết nối một cách nhanh chóng nhờ Facebook. Gặp lại ông khi vừa mới chia tay con trai quay về bên Đức sau 15 ngày đoàn tụ, ông Phong hạnh phúc chia sẻ: "Cuối cùng tôi cũng đã được ôm Michel Weiland bằng da, bằng thịt vào lòng. Tuy không có công nuôi dưỡng nhưng trong trái tim tôi nó luôn hiện hữu. Khi được biết thông tin về con, tảng đá nặng trên người tôi như được trút bỏ. Không gì có thể lột tả hết hạnh phúc ngày cha con gặp nhau. Trước khi gặp 2 bên đã thống nhất là sẽ đi thử AND, vừa xuống sân bay buổi sáng, buổi chiều cháu nó đã yêu cầu, cả 2 bố con đi thử AND, kết quả không có gì thay đổi. Cả gia đình nhất là vợ tôi đã tạo mọi điều kiện cũng như không khí gia đình ấm cúng trong những ngày Michel Weiland qua".
Từ ngày con trai về, anh em, bạn bè đến chúc mừng rất đông, khiến Michael rất vui khi được mọi người yêu quý. Sau khi nghỉ ngơi, ông Phong đã đưa Michael về quê nội ở huyện Yên Định thắp hương báo cáo gia tiên, gặp gỡ anh em họ hàng theo đúng phong tục của mình. Để con trai hiểu hơn về quê hương, gia đình ông đã đưa Michael đi thăm Thành nhà Hồ, suối cá Cẩm Lương, tắm biển Sầm Sơn, ra Hà Nội viếng lăng Bác, thăm Quốc tử giám, các phố cổ và đi vịnh Hạ Long…"Nó như 1 đứa trẻ, vô cùng thích thú, nó khoe trước khi qua đã sắm máy ảnh, thấy lúc nào nó cũng chụp. Cảm nhận của cu cậu về quê của bố phong cảnh rất đẹp, lịch sử hào hùng, con người thân thiện…nhưng đang còn nghèo", ông Phong tâm sự.
Mong được bố mẹ tổ chức lễ cưới theo phong tục Việt Nam
Khoe cuốn ambum ảnh từ thời bé đến khi trưởng thành do con trai để lại, ông Phong hồ hởi: 2 cha con có rất nhiều thời gian để tâm sự. Trước khi qua Việt Nam Michael đã tìm hiểu rất nhiều về phong tục, tập quán của mình. Ngay bữa cơm đầu tiên Michel đã đề nghị được ăn cơm bằng đũa như mọi người, tuy đang còn luống cuống nhưng cậu rất vui. "Sau 15 ngày ở Việt Nam, cháu nó đã cầm đũa ăn cơm thạo. Việc giao tiếp giữa 2 cha con bình thường vì vốn tiếng Đức thời gian tôi bên đó vẫn còn nguyên, ngoài tiếng Đức cháu còn giao tiếp bằng tiếng Anh, rất may 3 cô con gái của tôi đều thạo tiếng Anh nên rất thuận lợi", ông Phong kể.
Trước khi về Đức, Michael hứa tết âm lịch sẽ qua Việt Nam ăn tết cùng gia đình và sẽ học thêm tiếng Việt để nói chuyện với mẹ, anh em, họ hàng. "Trước khi qua Việt Nam cháu nó cũng rất băn khoăn không biết có ảnh hưởng gì tới cuộc sống hiện tại của bố không. Sau khi biết được thông tin vợ tôi rất tích cực trong việc tìm con, nó cũng yên tâm. Nó mong muốn “sự suất hiện của con không làm ảnh hưởng tới hạnh phúc của bố, cũng như của mẹ ở bên Đức”, ông Phong kể.
Hiện tại chàng trai mang hai dòng máu Việt - Đức đang làm ở sân bay Berlin. "Cháu nó tâm sự “quyết tâm tìm bằng được bố để biết rõ nguồn gốc của mình. Những tháng ngày khó khăn nhất của con đã qua, giờ đây khi biết rõ về nguồn gốc, con sẽ kể cho bạn bè, người thân rõ về bố là người như thế nào. Cháu nó cũng muốn đưa em qua bên đó cho có anh có em…”, ông Phong kể lộ rõ vẻ xúc động.
Theo ông Phong thì hiện tại ông và Michel đang làm thủ hợp thức hóa quan hệ bố con ở cả 2 nước. Thời gian 2 tuần Michel ở Việt Nam, tuy có những khó khăn nhất định như thời tiết, ăn uống, ngôn ngữ… nhưng anh hòa đồng với mọi người và thích nghi cuộc sống ở Việt Nam rất nhanh. Anh chàng thích nhất là uống cà phê với mứt dừa, bánh cốm…Vợ chồng ông Phong dự định qua năm tới sẽ thu xếp qua Đức thăm Michel.
Michel tâm sự với bố trước khi chia tay về nước: “Trước kia có mấy cô bạn gái toàn người Châu Á. Lúc nào cưới vợ, sau khi tổ chức bên Đức rất muốn về nhờ bố mẹ tổ chức đám cưới theo phong tục Việt Nam”. Cuộc đời tôi có quá nhiều thăng trầm, vượt qua những sóng gió, giờ đây niềm vui, hạnh phúc nhất là có người vợ đảm đang, luôn chia sẻ, động viên những lúc khó khăn nhất, 3 cô con gái đều thành đạt, điều day dứt bấy lâu bây giờ đã mãm nguyện, cha con tôi tìm được nhau, hạnh phúc này không gì diễn đạt hết được. Tôi rất biết ơn những người đã kết nối để cha con tôi gặp được nhau, sự xa cách về địa lý giờ đây như gần lại bỡi bố con tôi luôn hướng về nhau, luôn trăn trở, day dứt khi chưa tìm được nhau", ông Phong hạnh phúc nói.