Với những thủ khoa tốt nghiệp loại xuất sắc có lẽ cơ hội tìm được việc làm ưng ý trong suy nghĩ với nhiều người sẽ là rất dễ dàng. Nhưng thực tế lại trái ngược với điều đó, hành trình tìm kiếm việc làm chưa bao giờ là dễ dàng đối với cô thủ khoa này.
Linh Chi (SN 1995, quê Thái Bình) chia sẻ, năm 2017, cô tốt nghiệp học viện Nông nghiệp Việt Nam, khoa Công nghệ Sinh học với tấm bằng loại xuất sắc. Nhưng tấm bằng đó không giúp Chi dễ dàng có được một công việc như ý.
Thủ khoa tốt nghiệp ĐH 2017 Vũ Linh Chi (đầu tiên từ phải qua). |
"Cầm tấm bằng trong tay, gia đình thì muốn em có công việc không cần lương cao nhưng phải ổn định, gần nhà. Nghe lời bố mẹ, em nộp hồ sơ thi công chức nhưng hồ sơ thì cứ nộp mà không có cơ hội được thi tuyển.
Đó là khoảng thời gian em phải chịu áp lực nặng nề đến mức khủng hoảng tinh thần. Mới tốt nghiệp em nghĩ sẽ có được một nơi làm việc tốt để có thể cống hiến và phát huy được những kiến thức mà mình đã học được trên ghế nhà trường. Nhưng lực bất tòng tâm, đâu phải cứ muốn là được.
Những ngày tháng ở nhà khiến em chán nản và thấy bản thân trở thành gánh nặng của gia đình. Về nhà ai cũng hỏi: "Cháu làm ở đâu rồi, sao cứ ở nhà lâu thế”, "Học giỏi thế sao chưa đi xin việc gì mà làm",...nhiều khi em chỉ muốn đi đâu đó thật xa”, nữ thủ khoa chia sẻ.
Trước những áp lực quá lớn từ gia đình và làng xóm trong thời gian chờ việc, Chi quyết định rời Thái Bình lên Hà Nội làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống. Từ bán hàng online, nhân viên chạy bàn quán café… rồi cô đi học nghề trang điểm cô dâu.
“Khi còn nhỏ, em đã có đam mê với nghề trang điểm, nhưng theo ý bố mẹ là phải đi học đại học sau này mới có cuộc sống ổn định nên em thi vào trường học viện Nông nghiệp Việt Nam, khoa Công nghệ Sinh học. Với mong muốn có một tương lai tươi sáng, suốt 4 năm ngồi trên giảng đường, em luôn cố gắng học tập để đạt thành tích tốt. Cứ ngỡ khi ra trường sẽ dễ dàng tìm được một công việc như ý, nhưng mọi chuyện không như mong đợi, sau buổi lễ vinh danh hoành tráng là một cuộc sống rất khác.
Sau một thời gian thử sức với nhiều công việc, em trở lại với đam mê của mình. Làm nghề trang điểm cô dâu em có thu nhập khá để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Tuy công việc vất vả nhưng em tìm thấy niềm vui và vì được làm việc bằng đam mê nên mọi khó khăn cũng dễ dàng vượt qua”, Chi chia sẻ.
"Khi mới làm nghề trang điểm, có lúc em tự hỏi: “Chả lẽ thủ khoa của một trường lại không thể xin được việc?”, sau rồi, em cũng dần chấp nhận điều đó”, cô gái ngậm ngùi.
Khi được hỏi mong muốn sau này nếu có cơ hội bạn có muốn được làm công việc mà mình được đào tạo trong thời gian 4 năm học đại học không? Chi nói: “Em mong muốn Nhà nước và các doanh nghiệp tạo điều kiện có cơ chế và chế độ đãi ngộ riêng dành cho thủ khoa. Sau này mọi thứ ổn định em sẽ tìm công việc đúng chuyên ngành, để không lãng phí quãng thời gian đã cố gắng chăm chỉ học tập..”
Trước trường hợp trên có rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Một bộ phận cho rằng, công tác định hướng, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai còn chưa được chú trọng. Một bộ phận giới trẻ chọn ngành theo trào lưu, theo ý muốn của phụ huynh, chính vì vậy xảy ra tình trạng, dù tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc nhưng không có nhiệt huyết với ngành nghề được đào tạo, dễ nản chí, gây lãng phí cho chính gia đình và bản thân.
Mặt khác nhiều sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc khi ra trường vẫn thất nghiệp chủ yếu là do quá tự tin vào mác thủ khoa mà từ chối những cơ hội tốt, đưa ra những đòi hỏi vô lý. Sinh viên thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng xử lý khủng hoảng, không thích ứng được với những khó khăn sau khi ra trường. Họ không hiểu rằng, công việc tốt không tự nhiên mà đến, cần trải qua một quá trình cố gắng, va đập với cuộc sống.
Phùng Thế Anh