“Vợ tôi rất thích hoa hồng nên thời đang yêu, không kể ngày lễ, tôi vẫn thỉnh thoảng mua tặng. Giờ ca mổ đã thành công, tôi mong vợ nhanh khỏe để về quê và ổn định để tính chuyện lâu dài”, chàng trai được tổ chức đám cưới trong Bệnh viên Bạch Mai chia sẻ.
Những giây phút xúc động đã qua, nhưng trên khuôn mặt của Hà Văn Thơm (SN 1991), ở xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái dường như vẫn còn những niềm vui chưa tắt. “Chiều hôm 23/4 nhận được điện thoại từ Phòng Hành chính của Khoa C8, tôi như không tin vào tai mình nữa. Chỉ đến khi bó hoa được trao tay, những lời chúc mừng của cán bộ, bác sĩ trong khoa và của cô bác, anh chị đang điều trị cùng vợ, tôi mới tin là sự thật”, chú rể Hà Văn Thơm chia sẻ.
Vợ chồng bệnh nhân Hà Thị Hom nhận lời chúc từ nhân viên y tế và bệnh nhân trong ngày cưới. (Ảnh: Dân Việt)
Trước đó, khoảng 3 giờ 30 chiều 23/4, một đám cưới giản dị đã diễn ra tại Phòng hành chính của Khoa C8 (Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai). Cô dâu là bệnh nhân chuẩn bị lên bàn mổ tim và ngày mổ cũng chính là ngày cưới của bệnh nhân này. Cả hai vợ chồng đều là người dân tộc Thái và điều đặc biệt hơn nữa là cô dâu hơn chú rể đến 4 tuổi.
“Như chẩn đoán, bệnh nhân Hà Thị Hom (SN 1987) bị u nhầy nhĩ trái và theo lịch sẽ được mổ cấp cứu vào ngày 23/4. Nhưng hôm 22/4, thấy người nhà bệnh nhân là chú rể Hà Văn Thơm cứ gãi đầu gãi tai muốn gặp bác sĩ bày tỏ thì mới biết, 23/4 là ngày cưới của hai người ở quê, nên chú rể bày tỏ nguyện vọng xin về quê vài ngày để tổ chức lễ cưới. Sau khi đánh giá tình trạng bệnh nhân, chúng tôi quyết định lùi mổ sau một ngày, đồng thời Công đoàn khoa C8 đã có ý tưởng tổ chức một tiệc ngọt nho nhỏ, coi như một đám cưới cho cặp vợ chồng này”, Bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch cho biết.
Trẻ hơn vợ 4 tuổi, nhưng Hà Văn Thơm luôn tỏ ra sự trưởng thành, chững chạc(Ảnh Phùng Bình)
Theo đúng lịch, ngày 23/4 - ngày cả hai chính thức trở thành vợ chồng cũng chính là ngày mà cô dâu lên bàn mổ nhưng mọi thứ đều như “câu chuyện cổ tích”. Một đám cưới không có cỗ bàn, âm nhạc, không có áo cưới nhưng đã khiến cả cô dâu chú rể và những người tham dự rơm rớm nước mắt vì xúc động. Ngồi cạnh vợ để chăm sóc sau phẫu thuật, Hà Văn Thơm cho biết: “Các bác sĩ bảo vợ tôi có thể ra viện sau 1 tuần điều trị và 3 tháng sau là có thể mang bầu được. Thực sự là tôi rất vui”.
Ngồi trò chuyện bên hàng lang bệnh viện, Thơm thật thà kể rằng, đến bây giờ vẫn chưa tin những gì diễn ra với mình mấy ngày qua là sự thật. “Nó như câu chuyện cổ tích vậy. Nó cũng giống như cha mẹ, bạn bè em không tin là em yêu Hom và lấy Hom làm vợ. Ở quê em, chuyện lấy vợ hơn tuổi là rất hiếm, trong khi Hom lại hơn em đến 4 tuổi. Khi yêu và xác định sẽ cưới Hom làm vợ, nhiều người nghĩ em đang trẻ con nên còn bồng bột, chưa chín chắn nhưng nói thật, tình yêu mà em dành cho Hom là rất lớn và chân thành”, Thơm chia sẻ.
Đôi nhẫn cưới trị giá hơn 1 triệu đồng của cặp vợ chồng được tổ chức đám cưới trong bệnh viện(Ảnh Phùng Bình)
Kể về mối tình “phi công trẻ”, Thơm luôn tỏ ra mình là người đàn ông trưởng thành, chững chạc. “Chúng tôi yêu nhau được hơn 1 năm thì mới quyết định tổ chức lễ cưới. Lúc tôi mới có ý định tán Hom, không những gia đình, bạn bè phản đối mà chính Hom cũng nghĩ tôi đang ít tuổi nên bồng bột. Nhưng bằng sự chân thành, tôi đã chứng minh cho mọi người thấy là tôi đủ sự chín chắn và suy nghĩ thấu đáo”, Thơm nói.
“Kể cả lúc nhận được tin vợ tương lai bị bệnh, mọi người khuyên tôi nên hoãn lại đám cưới nhưng tôi nghĩ đã vượt qua bao sự thử thách mới đến được với nhau thì không việc gì là không vượt qua được. Ngày trước lúc chưa yêu nhau thì gọi chị xưng em, yêu nhau thì gọi bạn, giờ đã là vợ chồng thì gọi em, xưng anh. Bây giờ là người chồng thì mình phải có trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình. Trong thời gian yêu Hom, tuy không có điều kiện nhưng tôi biết cô ấy rất thích hoa hồng. Ngày lễ, thậm chí là ngày thường tôi vẫn hay mua tặng”, Thơm cười tươi.
Tháo cặp nhẫn cưới ra đặt lên lòng bàn tay, Hà Văn Thơm khoe: “Cả nhà tôi và nhà vợ đều nghèo nên chúng tôi phải tích cóp mãi mới mua được đôi nhẫn cưới hơn 1 triệu đồng này. Sau khi ở viện về, đầu tiên là tôi phải đi tìm việc gì đó để kiếm tiền trả nợ chứ đưa vợ xuống đây mổ tim toàn bộ tiền đều phải vay mượn hết. Sau này, nếu có một khoản tiền nho nhỏ thì vợ chồng sẽ buôn bán cái gì đó, còn trước mắt thì tôi phải động viên vợ để cô ấy yên tâm điều trị bệnh”.