“Lãnh đạo” không phải ở trên người khác
24 tuổi, Nguyễn Thùy Dương đã đặt chân đến rất nhiều quốc gia để trải nghiệm và thể hiện khả năng lãnh đạo của mình. Hơn 5 năm hoạt động trong tổ chức sinh viên quốc tế (AIESEC - tổ chức phát triển khả năng lãnh đạo của giới trẻ), Dương đã “lượm lặt” được cho mình rất nhiều kinh nghiệm cũng như những kỷ niệm thú vị, hài hước về câu chuyện sinh viên làm “sếp”.
Cho đến khi rời khỏi tổ chức, nữ thủ lĩnh trẻ đã nhận ra một nguyên tắc quan trọng: muốn lãnh đạo được người khác thì trước hết phải lãnh đạo được bản thân. Và người lãnh đạo giỏi không nhất thiết phải ở trên các thành viên mà là người có tầm ảnh hưởng tích cực đến họ.
Suốt 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi, Thùy Dương là niềm tự hào của cả trường, lớp và gia đình. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Dương thi đỗ vào trường Đại học Hà Nội – khoa Quản trị kinh doanh – chuyên ngành cô ước mơ từ nhỏ.
Ngay từ khi bước chân vào trường, Thùy Dương đã tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của trường, đạt được rất nhiều thành tích như: giải nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh, giải nhì cuộc thi Nữ sinh thanh lịch…
Nhưng có lẽ bước ngoặt cuộc đời của nữ thủ lĩnh là khi bước chân vào Tổ chức sinh viên quốc tế tại Hà Nội. Dương tâm sự: “Từ khi bước chân vào đại học mình đã được nghe về AIESEC – tổ chức thanh niên lớn nhất thế giới, phát triển tiềm năng lãnh đạo cho giới trẻ. Sau một thời gian dài phân vân, mình quyết định vượt qua nỗi sợ hãi, sự tự ti, làm hồ sơ thi tuyển vào đó".
Dương đã phải trải qua bốn vòng thi từ check thông tin, đánh giá khả năng hùng biện, thực hành làm dự án đến phỏng vấn. Cuối cùng, đến tháng 3/2009, Dương đã trúng tuyển và trở thành thành viên trẻ nhất của AIESEC trong lịch sử hoạt động.
Là thành viên trẻ nhất của tổ chức, Thùy Dương bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất: là nhân viên của ban nhân sự. Sáu tháng sau, Dương được đề cử là trưởng nhóm của một dự án lớn. Sau một năm, Dương trở thành Trưởng ban nhân sự, lãnh đạo nhiều người lớn tuổi hơn mình. Và chỉ một thời gian sau đó, cô gái trẻ đã chính thức trở thành nữ thủ lĩnh của tổ chức.
Dương chia sẻ: “Trong hơn một năm đầu, mình làm tất cả những công việc từ nhỏ đến lớn và nó đã tích lũy khả năng chuyên môn. Khi ở trong vị trí lãnh đạo, mình không làm công việc chuyên môn nữa mà phải đặt mục tiêu, nguyên tắc cho nhóm, sắp xếp công việc cho từng thành viên, quan tâm đến từng thành viên xem họ mong muốn điều gì và họ mạnh ở điểm nào, yếu ở điểm nào”.
Năm 2012, Dương được cử vào Sài Gòn hoạt động. Cô gái trẻ sẵn sàng gác lại công việc học tập, xa gia đình, bạn bè đi tới vùng đất mới để bắt đầu một cuộc sống mới, môi trường làm việc mới. Cô gái trẻ lạc quan: “Dù Nam hay Bắc thì vẫn là nước Việt, bố mẹ mình ngăn cản nhiều lắm nhưng mình vẫn quyết đi”.
Nhưng không chỉ ở trong nước, với khả năng lãnh đạo tài hoa và lòng nhiệt thành với công việc, nữ thủ lĩnh trẻ còn sẵn sàng xách ba lô, đến thử sức ở môi trường quốc tế. Năm 2013, Thùy Dương xuất sắc vượt qua các kỳ thi, trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên được lựa chọn vào ban điều hành cấp cao của Tổ chức sinh viên toàn cầu, hoạt động tại Hà Lan.
Nữ thủ lĩnh trẻ tâm sự: “Mình xa gia đình đến sống và làm việc tại một nơi hoàn toàn xa lạ chỉ với mong muốn duy nhất là mang Việt Nam ra thế giới. Đất nước Việt Nam rất xinh đẹp, giới trẻ Việt Nam đầy tài năng, mình muốn bạn bè quốc tế biết được điều đó. Mình đã viết một bức thư 4 trang để thuyết phục bố mẹ cho mình ra nước ngoài làm việc, cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý”.
Ban điều hành cấp cao của AIESEC bao gồm 22 người – là những người giỏi nhất đến từ 22 quốc gia khác nhau, trong đó Dương là người Việt Nam duy nhất. Tại đây, Dương lãnh đạo 5 bạn trẻ khác đến từ Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore và Ấn Độ làm một dự án liên kết với các đối tác cộng đồng.
Dương tâm sự, hầu hết mọi người chỉ làm việc online nên rất khó kết nối, lắng nghe và hiểu nhau. Hơn nữa, so với những thành viên khác, Dương lại là một người trẻ nên việc chỉ đạo công việc cũng gặp khó khăn.
Tuy vậy, với tỉnh kỷ luật cao và sự chăm chỉ, nhiệt thành trong công việc, Dương đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các thành viên. Ở một nơi xa lạ, sống và làm việc với những con người hoàn toàn mới, Dương đã không ngừng học hỏi để hoàn thành tốt vai trò thủ lĩnh của mình.
Bí quyết làm “sếp”
Cũng như rất nhiều thủ lĩnh trẻ khác, Thùy Dương gặp phải không ít khó khăn và những câu chuyện cười ra nước mắt trong việc làm “sếp nhí”.
Dương tâm sự: “Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, khi mới bước vào vị trí lãnh đạo, mình đã rất nghi ngờ khả năng của bản thân. So với các thành viên, tuổi mình nhỏ hơn rất nhiều, khi lãnh đạo mất đi cái uy, ý kiến của mình không được tôn trọng, luôn vấp phải sự phản đối và phủ nhận của mọi người. Đã có lúc mình cảm thấy nản, muốn từ bỏ”.
Sang Hà Lan làm việc, nữ thủ lĩnh trẻ lại một lần nữa hoài nghi về bản thân khi cái bóng của các thành viên quốc tế quá lớn. Dương chia sẻ: “Các thành viên trong ban điều hành đều là những bạn trẻ tài giỏi đến từ các quốc gia phát triển. Suốt thời gian đầu mình không dám đưa ra ý kiến cá nhân vì sợ bị cho là ngu ngốc, ngớ ngẩn. Mình có cảm giác như đang đứng ngoài chính tổ chức mà mình lãnh đạo”.
Cũng từ đó, Thùy Dương nhận ra rằng, trước khi lãnh đạo người khác, mình phải lãnh đạo được chính bản thân mình. Dương không ngừng học hỏi, tích lũy khả năng chuyên môn, điều chế cảm xúc cá nhân, phát huy thế mạnh bản thân - là sự chăm chỉ và tính kỷ luận cao. Không lâu sau, cô gái trẻ đã cân bằng được bản thân, tự tin trong vị trí lãnh đạo và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Nữ thủ lĩnh trẻ bộc bạch: “Với mình, lãnh đạo bản thân là điều quan trọng nhất và nó là chặng đường xuyên suốt cả cuộc đời chứ không phải chỉ ở một thời điểm. Ví dụ như bây giờ, khi không còn hoạt động trong tổ chức, mình không còn lãnh đạo người khác nhưng vẫn phải lãnh đạo bản thân, tự điều chế cảm xúc, tự học hỏi trau dồi kinh nghiệm và tự biết cân bằng cuộc sống”.
Hơn thế, với Dương, “lãnh đạo” không nhất thiết là ở vị trí cao hơn người khác, mà là tầm ảnh hưởng tích cực của mình đến với các thành viên. Dương đã làm cho 21 bạn trẻ quốc tế trong ban điều hành từ việc hùng hục làm suốt ngày đêm sang làm việc có giờ giấc, kèm theo đó là tập thể dục thường xuyên.
Dương cũng khiến cho các bạn hiểu được giá trị của lãnh đạo là làm cho người khác tốt lên chứ không phải để khẳng định quyền lực của mình. Với cô gái trẻ, lãnh đạo là niềm đam mê chứ không đơn giản chỉ là công việc.
Trong các cuộc nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo với bạn trẻ Việt Nam, điều Dương luôn nhấn mạnh là phải hiểu và lắng nghe ý kiến thành viên. Nó giống như ba bước đi đôi giày của người khác. Bước thứ nhất là phải cởi giày ra – nghĩa là từ bỏ tất cả những suy nghĩ chủ quan, bảo thủ của mình. Bước thứ hai là đi đôi giày kia vào – nghĩa là phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác một cách thiện chí. Và bước thứ ba là đi và cảm nhận - nghĩa là lúc này mới đánh giá xem ý kiến của người khác có đúng không rồi đưa ra ý kiến của riêng mình.
Quan điểm lãnh đạo làm nên thành công cho các thủ lĩnh. Chính bởi luôn cố gắng lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu, ý kiến của các thành viên nên Dương luôn kết nối được mọi người một cách hiệu quả. Dương biết cách giải quyết xung đột cũng như tạo ra xung đột đúng thời điểm giúp cho tổ chức của mình luôn có “lửa”. Nữ thủ lĩnh trẻ đã để lại dấu ấn đậm nét trong con đường lãnh đạo của mình.
Bạn Hoàng Tuấn Anh (sinh năm 1994, Chủ tịch tổ chức sinh viên quốc tế tại Hà Nội) chia sẻ: “Là thế hệ đi sau, mình đã được nghe kể rất nhiều về chị Dương. Mọi người không chỉ phục chị ấy ở khả năng chuyên môn, khả năng kết nối mọi người mà ở khả năng thấu hiểu người khác. Chị ấy là sếp, nhưng không “lãnh đạo” thành viên mà chỉ chia sẻ công việc với họ”.
Theo Khám Phá