(Tinmoi.vn) – Sau những bê bối gây rúng động thời gian vừa qua, dư luận đang đặt ra câu hỏi là có nên tiếp tục duy trì hoạt động tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề.
Từng được xem là mái ấm chở che không biết bao nhiêu trẻ sơ sinh bỏ rơi, trẻ lang thang cơ nhỡ và cả những người già neo đơn nhưng giờ đây, chùa Bồ Đề lại đang rơi vào tâm bão dư luận với những cáo buộc liên quan đến phạm trù đạo đức và pháp lý.
Theo kết quả kiểm tra của Sở LĐTBXH và UBND phường Long Biên cho thấy, việc tiếp nhận, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em của chùa Bồ Đề là sai quy định. Được biết, từ năm 2013, Sở Lao động Thương binh Xã hội TP Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra phối hợp với UBND quận Long Biên, UBND phường Bồ Đề làm việc với chùa Bồ Đề và đã có những kết luận ban đầu. Trong đó, yêu cầu chùa Bồ Đề tạm dừng tiếp nhận những trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em mồ côi vì theo quy định, những trường hợp cơ sở nuôi dưỡng từ 10 đối tượng trở lên thì phải lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, tuy nhiên, cho đến nay, mặc dù đã ban hành rất nhiều văn bản đôn đốc của cơ quan lao động thương binh xã hội địa phương và các đoàn kiểm tra của UBND quận Long Biên, nhà chùa vẫn chưa có động thái tuân thủ.
Bên cạnh đó, vấn đề nuôi con nuôi là lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp; và đối với ngành lao động thương binh xã hội quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội, thì chỉ những cơ sở tôn giáo thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật mới được phép xem xét cho con nuôi. Như vậy, trường hợp của chùa Bồ Đề, việc tiếp nhận rồi trả lại con là quan hệ giữa nhà chùa và các cá nhân, và quan hệ này không đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, quá trình tiếp nhận, nuôi trẻ em tại chùa hoàn toàn không có giấy tờ mang tính chất pháp lý. Thực tế quản lý “lỏng lẻo” này chính là điều kiện thuận lợi cho tội phạm mua bán người lợi dụng.
Trẻ em được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề (Ảnh: CAND)
Và trước những cáo buộc về việc làm sai trái của nhà chùa, trụ trì Thích Đàm Lan đã lên tiếng khẳng định hoàn toàn không biết những việc làm sau lưng của các thành viên cấp dưới. Trong khi trụ trì là người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của nhà chùa thì những lời “cam đoan” trên thể hiện sự vô trách nhiệm trong công tác quản lý của người đứng đầu. Hơn nữa, trụ trì còn luôn mực cho rằng để xảy ra những sự việc đáng tiếc này là do bản thân mất cảnh giác, không sát sao trong việc giám sát các hoạt động ở đây. Trụ trì luôn một mực phủ nhận những cáo buộc liên quan tới việc làm sai trái của các đệ tử, khẳng định cháu bé bị bán không thuộc phạm vi quản lý của nhà chùa, và những sự việc gây ra bởi các thành viên của nhà chùa đã khiến trụ trì rất đau lòng mà không cách nào cứu giúp. Tuy nhiên, trước những kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, khẳng định chắc chắn trụ trì Thích Đàm Lan có trách nhiệm liên quan đến vụ việc mua bán trẻ em thì những lý lẽ biện minh của trụ trì còn chút nào đáng tin.
Ngoài ra, việc chăm sóc trẻ ở chùa Bồ Đề không đảm bảo theo quy định tại Nghị định 68. Cụ thể, cơ sở vật chất ở chùa còn thiếu thốn nhiều, chùa cũng không có cán bộ, đội ngũ chăm sóc được đào tạo chuyên môn cơ bản. Và với nhiều sai phạm liên quan tới pháp lý đã được đề cập, thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên có động thái chấm dứt các hoạt động chăm nuôi trẻ em tại chùa Bồ Đề. Thay vào đó, UBND quận Long Biên cần rà soát lập danh sách và phối hợp với Sở LĐTBXH để lập kế hoạch đưa những trường hợp trẻ em tìm được người thân hoặc trẻ em mồ côi bị bỏ rơi về gia đình trong trường hợp tìm được người thân hoặc gửi tới các cơ sở xã hội thuộc thành phố Hà Nội để chăm sóc nuôi dưỡng lâu dài, để các em được chăm sóc trong môi trường tốt hơn.
Cưu mang trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi là việc thiện và rất cần xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước. Nhưng việc nuôi cả trăm trẻ đòi hỏi phải có đủ năng lực, kỹ năng chứ không thể nuôi theo kiểu tự phát. Chúng ta không thể phủ nhận việc các chùa nuôi dưỡng trẻ thời gian qua đã đóng góp rất nhiều vào công tác chăm sóc trẻ em. Nhưng vấn đề là việc chăm sóc đó trước hết cần xuất phát từ cái tâm, lòng thiện nguyện chứ không phải lòng thương giả tạo và sự hời hợt vì những mục đích tư lợi. Và không chỉ với trường hợp chùa Bồ Đề, cơ quan chức năng cũng nên tiến hành tổng kiểm tra, rà soát lại tính pháp lý của việc tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở các chùa khác, đảm bảo có sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như trên.
Vũ Đậu