"Về tâm linh và đạo đức người Á Đông, không có người chồng nào nhẫn tâm hiến thi thể của vợ và đứa con chưa sinh của mình để phục vụ khoa học. Cũng không có bố mẹ nào nhẫn tâm hiến thi thể đứa bé sơ sinh của mình để người khác nhìn ngó như thế", nguyên Cục phó Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động) chia sẻ.
Mẫu vật toàn thân một phụ nữ mang thai với phần bụng để lộ. Xung quanh là các mẫu vật phôi thai ở các tuổi khác nhau và trẻ sơ sinh dị tật. Ảnh: ANTĐ
Mới đây, Triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" (Mystery Of Human Body) được trưng bày tại TP.HCM gồm 131 mẫu vật, giới thiệu 8 chủ đề về hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tuần hoàn sơ sinh.
Điều đặc biệt, các mẫu vật đều là các bộ phận cơ thể người thật, được nhựa hoá. Đó là bộ xương người, cánh tay, thai nhi ở nhiều giai đoạn, bào thai trong bụng mẹ...
Triển lãm do Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cấp phép đang gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng đây là việc làm vô nhân đạo, vi phạm cả pháp luật và đạo đức, không phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho nó là bình thường, giống như các bác sĩ hay các nghệ sĩ phải học về giải phẫu người trên xác được hiến tặng.
Về việc này, ông Nguyễn Trọng An, nguyên Cục phó Bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động) đã có những chia sẻ trên Facebook cá nhân.
Ông An nêu quan điểm, hiến xác phục vụ khoa học rất đáng trân trọng, nhưng cần lên án việc đem xác người để kinh doanh thương mại. Triển lãm vi phạm cả luật pháp và đạo đức Việt Nam.
"Hơn nữa, về tâm linh và đạo đức người Á Đông, không có người chồng nào nhẫn tâm hiến thi thể của vợ và đứa con chưa sinh của mình để phục vụ khoa học. Cũng không có bố mẹ nào nhẫn tâm hiến thi thể đứa bé sơ sinh của mình để người khác nhìn ngó như thế", ông Trọng An viết.
Nguyên Cục phó Bảo vệ trẻ em nói thêm: "Chúng ta đều biết, văn hóa tâm linh và tập tục tang lễ của người Việt Nam liên quan đến người đã khuất phải được thực hiện một cách cẩn trọng nhất. Ở đây, họ trưng bày những thi thể bị bóc tách để lộ cơ, xương là rất không phù hợp".
Ông An cũng đặc biệt lên án việc trưng bày các bào thai và cặp thi thể mẹ con trong tình trạng đã mở khoang bụng và tử cung của người mẹ.
Thai nhi ở tháng thứ chín được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
"Tôi là một bác sĩ y khoa của Đại học Y Hà Nội. Thời sinh viên, chúng tôi được học giải phẫu và phẫu thuật thực hành trên những xác người thật đã qua xử lý formol.
Các thầy giáo luôn nhắc nhở chúng tôi: mặc dù các em là sinh viên Y khoa, được pháp luật cho phép mổ, xẻ bóc tách cơ thể người để phục vụ khoa học nhưng luôn phải biết và tuân thủ nguyên tắc bất khả xâm phạm cơ thể người và quyền được tôn trọng xác người", ông An cho biết.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 4/7, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) có văn bản gửi Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, yêu cầu báo cáo về Triển lãm trên.
"Qua thông tin từ các cơ quan báo chí và theo dõi triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người đang diễn ra tại TP.HCM từ ngày 21/6 đến 31/12, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đề nghị Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM báo cáo gấp về quá trình cấp phép và tổ chức triển lãm.
Báo cáo gửi về Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trước ngày 10/7/2018", Công văn nêu rõ.
Đức Hoà (tổng hợp)