Việc thả cá chép là hành động đẹp mang đầy ý nghĩa nhưng nhiều người đã vô tình làm mất đi ý nghĩa của nó vì hành động xấu này.
Hằng năm, cứ tới ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà lại tất bật sửa soạn mâm cỗ lễ cúng Ông Công ông Táo lên chầu Trời. Ngoài ra, theo phong tục cổ truyền thì các gia đình còn thả cá chép xuống sông, hồ... gần nhà.
Thả cá chép, đừng thả rác thải!
Theo truyền thuyết thì Táo quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình để bẩm báo tất cả những điều tốt cũng như chưa tốt của con người với Ngọc hoàng. Vậy nên việc phóng sinh cá chép là hình thức tiễn đưa ông Công ông Táo lên trời.
Việc thả cá chép (phóng sinh) là một phong tục tốt, tuy nhiên do vô ý hay ý thức kém mà nhiều người còn thả cả bao nilon xuống sông hồ, điều này vô tình lại biến hành động đẹp và đầy ý nghĩa ngày 23 tháng Chạp trở thành hành động gây ô nhiễm môi trường.
Đầu tiên, việc thả cá cần đúng ý nghĩa tâm linh, thứ hai cần đúng mục đích tái tạo nguồn lợi bảo vệ môi trường. Khi thả cá cần thả nhẹ nhàng từ từ (không đổ, ném, quăng cá khiến cá bị thương hay thậm chí chết), và tuyệt đối tránh việc thả cả bao nilon xuống nước.
Vì như thế sẽ làm cá chết (do không thoát được khỏi túi nilon) và về lâu dài, việc làm này sẽ tác động tới cả hệ sinh thái thủy sinh của hồ, sông... nơi thả cá.
Tác hại của việc thả cả túi nilon cùng cá chép xuống sông
Túi nilon là một vật được sử dụng vô cùng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày do sự gọn nhẹ, bền, rẻ của nó. Nhưng bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại thì việc sử dụng không đúng cách lại vô tình làm ô nhiễm môi trường sống.
Các nhà khoa học gọi đó là "sự ô nhiễm trắng" để chỉ sự ô nhiễm do túi nilon gây ra khi con người sử dụng không đúng cách, vô ý thức.
Trên báo Tuổi Trẻ cho biết, một thống kế sơ bộ chỉ ra sự thật đáng giật mình: Mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày! Và có tới hàng triệu túi nilon đã bị thải ra mỗi trường xung quanh mỗi ngày và con số này tăng theo từng năm.
Khi thả chúng xuống nước, túi nilon lại càng mất nhiều thời gian phân hủy vì nó vốn được làm bằng sợi nhựa tổng hợp bền dẻo, tuy có vẻ mỏng manh như vậy nhưng khi không bị tác động của nhiệt như ánh sáng Mặt Trời, thời gian phân hủy có thể từ 500 đến 1.000 năm!
Nếu thả xuống nước số lượng lớn, chúng sẽ góp phần gây tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải, hôi thối, thậm chí còn làm ngập úng (nhất là những thành phố lớn, khu đông dân cư), từ đó làm tăng nguy cơ phát sinh vi khuẩn có hại.
Như một vòng tròn khép kín, túi nilon do con người thải ra lại gián tiếp hay trực tiếp quay trở lại gây hại cho sức khỏe của con người. Không những thế, nhiều loại túi còn được làm từ cadimi và chất dioxin cực độc, những chất này còn độc hại hơn cả chì!
Rác thải nilon khi thả xuống nước sẽ dễ dàng đi theo nguồn nước và gây ô nhiễm phạm vi rộng. Ảnh: Moitruong.net.vn
Chúng sẽ gây hại cho sinh vật thủy sinh nếu ăn túi nilon vì tưởng nhầm là thức ăn, trên trang web bảo vệ môi trường Hành trình xanh, mỗi năm có tới khoảng 100.000 động vật chết vì ăn túi nilon.
Túi nilon không thể phân hủy sẽ nằm trong dạ dày của sinh vật và các chất độc hại sẽ làm sinh vật chết khi ăn vào. Khi thả xuống nước do túi nilon không thấm nước và rất bền nên sẽ dễ dàng được nguồn nước phân tán ra khắp nơi.
Ngoài những tác động tới hệ sinh thái và sức khỏe sinh vật, con người, túi nilon còn làm mất mỹ quan đô thị với những con sống, rạch, hồ... ngập tràn chất thải nilon trôi nổi.
Theo Helino/Trí Thức Trẻ