Trong quá trình thực hiện loạt bài điều tra liên quan đến lĩnh vực thuốc tân dược, PV ghi nhận nhiều trường hợp "bất thường" trong việc "lên toa thuốc" đối với loại kháng sinh mạnh, biệt dược gốc, thuốc đặc trị cho bệnh nhân (BN) tại một số bệnh viện (BV), tập trung phần lớn ở các khoa cấp cứu, điều trị nhiễm khuẩn, nội thần kinh.
Điều đáng nói, những loại thuốc được liệt vào danh mục biệt dược, đặc trị đều được "đóng kín" thông tin, giá siêu đắt và duy nhất chỉ bác sỹ điều trị và trình dược viên được biết về nó. Không ít người cố gắng giải mã "vùng đặc quyền" này.
Biệt dược gốc kê đơn kiểu... "độc"!
Tại khoa Cấp cứu, BV X., PV đã phát hiện ra "vùng đặc quyền" của biệt dược gốc, thuốc đặc trị, buộc người nhà BN phải đối mặt với lựa chọn sống còn trước những chỉ định thuốc "độc" của bác sỹ. BN Lê Bá T. 35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội được chuyển viện từ BV Lao phổi Hà Nội vào khoa Cấp cứu của BV X. trong tình trạng hôn mê sâu. Bệnh án trước đó ghi nhận, BN T. bị tràn dịch phổi, gan to, có dấu hiệu gan bị nhiễm độc.
Tại khoa Cấp cứu BV X., BN T. phải thở máy, tràn dịch phổi nặng, có dấu hiệu không tiếp nhận thuốc. Người nhà BN phản ánh, sau 2 ngày nằm tại khoa, bệnh tình không tiến triển, bác sỹ hỏi về tình hình tài chính của người nhà BN với lý do BN cần phải tiêm một loại thuốc đặc trị giá đắt và không có trong danh mục thuốc được thanh toán BHYT, không có trong kho thuốc của BV, bác sỹ trong khoa phải gọi cho một trình dược viên bên ngoài mang loại thuốc đó tới cho người nhà BN.
Cũng theo người nhà BN, loại thuốc đó được bảo quản trong hộp lạnh, gồm 4 ống thuốc có giá tới 63 triệu đồng. Sau khi có thuốc, các bác sỹ đã thực hiện tiêm ống đầu tiên cho BN T.. Tuy nhiên, cơ thể BN T. không tiếp nhận thuốc và bệnh có biểu hiện ngày càng trầm trọng nên đã mất sau đó không lâu.
|
Một đơn thuốc đặc trị dành cho bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp trên. |
BN Hoàng Trọng L. (24 tuổi, Lạng Sơn) nhập khoa Cấp cứu, BV V.Đ. cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Cụ thể, ghi theo lời kể của người nhà BN, trước đó Hoàng Trọng L. bị Tai nạn giao thông, nhập khoa Cấp cứu ở Lạng Sơn. Bệnh án ghi BN L. nhập viện trong tình trạng bất tỉnh, mất trí nhớ, phản xạ yếu... Sau khi chụp chiếu, bác sỹ phát hiện có vùng máu tụ bên trong não, chấn thương sọ não nên chuyển lên BV tuyến Trung ương để mổ. Tại đây, sau khi làm các thủ tục nhập mổ, người nhà BN phải đặt trước 40 triệu đồng và ký cam kết về những biến chứng xảy ra trong và sau phẫu thuật theo mẫu ghi của BV.
Trong quá trình mổ, người nhà BN hai lần nhận được "chỉ thị" của bác sỹ mổ thông qua một y tá trong kíp mổ về việc BN phải sử dụng một loại thuốc kháng sinh đặc trị, cùng một loại biệt dược hỗ trợ nội thần kinh. Tổng giá hai loại thuốc đó là 45 triệu đồng. Cũng theo lời người nhà BN L., cô y tá nói, hai loại thuốc đặc trị đó không có trong kho dược của BV nên người nhà cứ đóng tiền (có phiếu thu-PV) sẽ có trình dược viên ở một công ty thuốc mang tới cho kíp mổ.
Dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng biệt dược, thuốc đặc trị là "vùng đặc quyền" tại các BV, liệu có khoản "hoa hồng" hay liên hệ ngầm nào giữa bác sỹ với nhà thuốc hay các trình dược viên tại các công ty dược trong việc lên đơn cho những chủng loại thuốc đặc biệt này?
|
Số thuốc tân dược giả không rõ nguồn gốc xuất xứ bị thu giữ. |
Kẽ hở chính là... "hoa hồng"?
Trước thông tin những loại biệt dược gốc hoặc thuốc đặc trị lại phải đưa từ ngoài vào và tại sao người dân lại có rất ít thông tin về những loại thuốc này?
TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (bộ Y tế) đã lý giải như sau: "Trong những năm gần đây, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các công ty dược đa quốc gia trên thế giới đều cố gắng tìm ra những thuốc mới, kháng sinh mới, song không phải lúc nào cũng thành công. Hiện nay, các doanh nghiệp dược Việt Nam đã sản xuất được tất cả 29 nhóm thuốc điều trị do Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, trong đó có loại thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị chữa bệnh mới nổi, bệnh không lây nhiễm (tim mạch, ung thư - PV). Tuy nhiên, thuốc biệt dược, thuốc kháng sinh này theo quy định thì không được quảng cáo trên truyền thanhtruyền hình mà chỉ được phép thông tin đến y, bác sỹ để các bác sỹ kê đơn và theo đúng phác đồ điều trị để tránh trường hợp điều trị thuốc không hợp lý".
Ông Cường trấn an dư luận rằng: Các doanh nghiệp dược Việt Nam tuy chưa sản xuất được thuốc kháng sinh mới, biệt dược mới, tuy nhiên cũng đã tập trung rất hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng thuốc và chứng minh được thuốc của Việt Nam tương đương điều trị và tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, nên người dân yên tâm sử dụng theo toa kê đơn của bác sỹ!?
Cũng nhằm lý giải cho việc biệt dược, thuốc đặc trị luôn đặt ở chế độ "hiếm và khó tìm" ngay trong BV, một "trình dược viên ruột" của chúng tôi làm tại công ty dược T.P. cho biết: "Thường, BV lấy lý do, các loại thuốc đặc trị này có giá thành rất cao, chi phí bảo quản lớn, không có trong danh mục đấu thầu thuốc vào BV nên sẽ không thường xuyên có trong kho dược. Do vậy, khi cần những nhóm thuốc này trong điều trị họ tìm đến một vài hiệu thuốc hoặc công ty dược "sân sau" của bác sỹ hoặc BV để lấy". Trình dược viên này cũng không giấu giếm chính kẽ hở trong quy định về sự có mặt của biệt dược trong kê đơn thuốc là "hoa hồng" cho những trường hợp này là khá lớn, có khi lên tới 30% cho bác sỹ kê toa.
Một bác sỹ (xin được giấu tên) làm việc tại khoa Tim mạch, bệnh viện T.N. cho biết: "Nhiều khi, một loại kháng sinh mạnh, thuốc đặc trị dù có trong đấu thầu vào BV, song vì lý do nào đó nó bị "điều phối, cung ứng" kiểu nhỏ giọt để tạo ra những khan hiếm giả tạo loại thuốc đặc trị này".
Bác sỹ này đưa ra một dẫn chứng về việc thiếu thuốc với hoạt chất methylprednisolone đang xảy ra ở BV, kể cả đó là loại thuốc Generic (thuốc được sản xuất dựa trên sao chép công thức từ biệt dược gốc). Theo đó, trước khi sở Y tế tổ chức đấu thầu tập trung, BV đã gửi hồ sơ báocáo cần đến vài nghìn ống thuốc Solu-Medrol Inj 125mg với hoạt chất methylprednisolone nhưng sau khi đấu thầu, Sở chỉ rót xuống vỏn vẹn có 240 ống.
Bác sỹ này giải thích, Solu-Medrol Inj 125mg là loại bột vô khuẩn, pha tiêm dùng chung với kháng sinh để chích cho người bệnh điều trị kháng viêm, viêm khớp, viêm phổi, nhiễm khuẩn nặng... rất hiệu quả. Đây là thuốc biệt dược gốc của một công ty của Mỹ có bản quyền, được đăng ký nhãn hiệu (gọi tắt là thuốc biệt dược gốc) nhưng vì lý do trên nên loại thuốc này luôn khan hiếm. Vì thế, trong điều trị, buộc bác sỹ phải chuyển sang dùng thuốc khác hoặc phải "lên đơn" cho BN mua ở ngoài! Và tất nhiên, việc bác sỹ lên toa thuốc đặc trị và yêu cầu mua hoặc "điều" từ bên ngoài vào thì cũng khó để xử lý, xử phạt được.
TS.BS. Kiều Khắc Đôn: Khi kê đơn, bác sỹ nên dùng tên gốc hay tên chung quốc tế (còn gọi là tên dược chất) kèm theo tên biệt dược đặt trong dấu ngoặc. Ðiều này đã được Thông tư số 08/BYT-TT ngày 4/7/1997 quy định. Chẳng hạn như kê tên gốc Paracetamol (thuốc giảm đau hạ nhiệt) rồi mở ngoặc các biệt dược (hoặc Panadol, hoặc Decolgen, hoặc Efferalgan). Ðiều này giúp thầy thuốc tránh ghi trong đơn 2 loại thuốc cùng chứa một loại dược chất có thể dẫn đến hậu quả quá liều cho BN. Tuy, quy định như vậy nhưng trong thực tế, rất ít đơn thuốc tuân thủ việc ghi tên gốc (vì tốn thời gian), mà các thầy thuốc thường "phóng bút" kê một loạt các tên biệt dược khác nhau. Còn tên các thuốc kê trong đơn thì BN khó mà đọc nổi, may ra chỉ có dược sỹ ở các nhà thuốc "quen bán" các thuốc này mới có thể "dịch" được. |
Theo Văn Hậu/ Đời Sống & Pháp Luật