Trang fanpage confession của ĐH Bách khoa xuất hiện lời tâm sự của chàng trai về hành trình gian khó vươn lên trong học tập, từ làm phụ hồ đến trông quán internet.
Ngày 5/5, độc giả Nguyễn Duy gửi đến tòa soạn Zing.vn lời tâm sự của nam sinh ĐH Bách khoa trên trang confession của trường với lời nhắn: "Tôi nghĩ tấm gương của sinh viên trong bài viết thực sự để thế hệ trẻ hiện nay học tập". Xin trích đăng toàn bộ lời chia sẻ của nam sinh này, cùng với những cảm xúc của Cộng đồng mạng.
Lời tâm sự của nam sinh từng có ý định tự tử
Bây giờ đã hơn 2h, trong lúc quán internet vắng khách, mình mò lên confesion viết vài dòng tâm trạng chia sẻ với các bạn, anh chị trong trường cho vơi đi nhẹ lòng. Em là sinh viên K58, ở vùng quê đất học. Gia đình em có 5 người, bố mẹ đều là nông dân, không giàu có nhưng cũng đủ ăn đủ tiêu. Chính vì thế cuộc sống sinh viên năm thứ nhất của em cũng sẽ bình thường, phẳng lặng như bao bạn khác nếu không xảy ra câu chuyện buồn vào cuối năm lớp 12. Trong gia đình, bố em là người bảo thủ, nóng tính. Lúc em mới thi tốt nghiệp xong, bố hay chửi mẹ nhiều, mỗi lần chửi đều văng ra những từ ngữ nghe rất khó chịu. Nguyên nhân những lần chửi nhau đó chỉ vì kinh tế, bố mẹ không đồng thuận trong cách làm ăn. Những khi đó em rất áp lực, khó chịu với bố vì thương mẹ. Cũng vì tâm lý thi cử, không giữ được bình tĩnh, em đã xưng ông - tôi và quát bố. Bố em tiến đến đấm vào người túi bụi. Chuyện này đã nhiều lần xảy ra vào năm lớp 11 nhưng đây là lần đầu tiên em thay đổi cách xưng hô với bố. Ngày trước, mỗi khi có chuyện xảy ra em toàn chạy đi, lần này em đẩy bố ngã dù không ảnh hưởng gì cả. Cuối cùng, hàng xóm khuyên ngăn, mọi chuyện được giải quyết, em đến xin lỗi bố.
Thực ra em có ác cảm với bố từ năm học lớp 11. Không phải là đứa nghịch ngợm, hư hỏng gì nhưng những ngày cấp 3 em chỉ biết học và giúp việc gia đình. Đêm hôm đó, mẹ kể bố em khóc dù em không biết lý do. Sáng hôm sau, ông gói gọn sách vở, quần áo, đồ dùng và đuổi em ra khỏi nhà. Ông nói không có đứa con nào mất dạy như em. Mặc dù được mọi người khuyên ngăn rất nhiều nhưng ông đuổi đánh em. Mẹ nói em sang nhà bạn ở tạm vài ngày khi nào bố hết giận rồi về. Lúc đó em rất hoang mang vì kỳ thi đại học sắp đến. Em về xin lỗi bố nhưng cũng bị đuổi đánh không khác gì kẻ thù. Bố còn cấm mẹ được tiếp xúc với em, mẹ cũng xa lánh dần, hai em ruột thì còn quá nhỏ. Thật may mắn khi giai đoạn đó, em được gia đình bạn bè giúp đỡ em rất nhiều. Họ hàng nhà em đều ở trong Nam, chưa một lần đi xa cũng không biết ai cả nên em không thể nhờ cậy. Đã có lần em nghe nói bố từ mặt cả ông nội để cưới mẹ nên rất hoang mang.
Trước kỳ thi đại học nửa tháng, em suy nghĩ tích cực hơn để nỗ lực trong học hành. Em nghĩ bố sẽ thay đổi nếu kết quả tốt nhưng hiện tại cả gia đình đã quên em thật rồi. Ngày thi đại học, em vay mượn bạn bè 500.000 đồng, tự gói quần áo, mang sách vở lên đường. Thời gian chỉ có một mình giữa thành phố xa lạ quá khắc nhiệt với em khi không có người thân, bạn bè. May mắn vì em nhận được sự giúp đỡ của các anh chị sinh viên tình nguyện, ăn những bữa cơm miễn phí tại nhà chùa, 10 ngày thi cực nhọc cũng qua đi. Bố mẹ không hỏi han gì em, kể cả chuyện thi cử. Nhưng điều này giúp em có thêm động lực để sống sau cú sốc dài, bắt đầu tự lập. Ban đầu em xin quét rác nhưng không được nhận. Lúc sau em tìm được việc phụ hồ cho công trình, ăn cơm trưa miễn phí, tối về ăn mì tôm và làm người bảo vệ. Thời gian này em chờ điểm thị đại học, tự sắm cho mình một số thứ cần thiết, đặc biệt là điện thoại Nokia 1280 huyền thoại. Trong khi đó bạn bè em ở nhà đang tung tăng đi du lịch. Em được mọi người chỗ làm động viên, nhiều lúc nghĩ tình cảm gia đình tại sao lại thua người dưng. Em đạt điểm thi khá cao ở cả 2 khối và quyết định chọn ĐH Bách khoa.
Tối hôm đó em quyết tự thưởng cho bản thân mình một cốc nước mía, không phải trà đá như mọi ngày. Em gọi điện, mẹ nói: “Lớn rồi, học hay không thì tùy, 18 tuổi đầu rồi, bố mẹ hết trách nhiệm". Mẹ tắt máy mà nước mắt em chảy dài. Mẹ là người duy nhất có thể ở bên em mà giờ đây lại bỏ rơi. Thời gian chờ nhập học, số tiền kiếm được em đi chơi cờ bạc để thử vận may nhưng hết sạch. Quá chán nản, nhiều lúc em định tự tử nhưng không đủ can đảm, thực sự rất buồn. Tình cờ nghe đài đêm khuya về câu chuyện vượt lên số phận của người tàn tật, em thấy cuộc sống có ý nghĩa trở lại, không khóc từ hôm đó. Ngày nhập học, với số tiền 600.000 đồng trong túi em không đủ ở ký túc xá. May mắn khi em gặp một anh cùng trường học K53. Nghe em kể chuyện, anh nói đến ở cùng phòng, giúp đỡ em tìm việc gia sư, ổn định đời sống sinh viên bỡ ngỡ. Sau thời gian học ở Bách khoa, em rất yêu trường, cảm giác trống vắng xa nhà không còn nữa.
Trong kỳ học đầu, em đi dạy gia sư mỗi tuần 5 buổi tối, mỗi tháng cũng được 2 triệu đồng, dành dụm đóng học phí, mua xe cào cào. Ngoài ra em còn làm thêm ở quán internet 3 buổi/tuần. Cô chủ quý nên cho ở nhà trọ miễn phí. Biết hoàn cảnh gia đình cô tăng lương từ 500.000 đồng lên 700.000 đồng. Số tiền này đủ cho em mua thuốc chữa men gan. Đây cũng là lý do em không thi được trường An ninh – ước mơ từ nhỏ. Kỳ học đầu tiên do làm nhiều, học ít nên kết quả của em không thi lại môn nào nhưng cũng không cao.
Đến kỳ nghỉ lễ, lũ bạn lần lượt kéo nhau về thăm nhà, em thấy quạnh lòng quá, muốn hét to rằng nhớ gia đình, nhớ 2 đứa em, thương bố mẹ. Đã 8 tháng qua em chưa về quê, những cuộc điện thoại nói chuyện với mẹ đều do em là người chủ động.
Cũng qua đây, em gửi lời cảm ơn đến bạn bè. Đọc đến đây chúng mày nhận ra ai viết rồi, nhớ những bữa ăn miễn phí trong A1-5, những đồng tiền cho mượn mà tao mới sống được đến cuối tháng. Giữ mãi tình bạn tốt này nhé.
Cộng đồng mạng khâm phục
Trên trang fanpage confession, bài viết nhận được hơn 2000 lượt like (thích) và hàng trăm lời bình luận. Rất nhiều bạn trẻ bày tỏ sự khâm phục nghị lực của nam sinh, sẵn sàng giúp đỡ. Bạn Mai Anh xúc động: “Thật sự mình không kìm được nước mắt, bố đã đành sao mẹ lại có thể đối xử với con như vậy. Cậu bé không có lỗi, mà dù lỗi có to thế nào cũng không đáng để bị bố mẹ bỏ rơi. Những lúc mệt mỏi giữa dòng đời hãy cố gắng vượt qua bạn nhé”.
Suy ngẫm về hoàn cảnh của bạn để đối chiếu với bản thân mình, nickname T.Y.M viết: “Thật sự rất khâm phục bạn, so với những gì mình đã làm được thì thấy rất xấu hổ. Cố gắng lên bạn nhé, mình cũng phải cố thôi”.
Thầy giáo Hoàng An Nghĩa đang công tác tại trường ĐH Bách khoa động viên: “Nhà trường luôn sẵn sàng giúp đỡ những sinh viên có hoàn cảnh tương tự như em. Đừng ngại gọi điện cho thầy nhé (kèm theo số điện thoại). Thầy tin em sẽ có một tương lai tươi sáng và hạnh phúc".
Quản lý của trang fanpage confession ĐH Bách khoa chia sẻ: "Từ trước đến nay, trang đã nhận được 3 lời tâm sự của sinh viên gây xúc động, có sức ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng". Confession là hoạt động thú vị và có ý nghĩa được sinh viên Bách khoa duy trì.
Theo Zing
Xem thêm clip Nam sinh trượt patin, quỳ gối tặng hoa bạn gái: