Liên quan đến vụ sư thầy miền Tây nhận là chủ chim khổng tước quý hiếm ở Sài Gòn, cơ quan công an Vĩnh Long xác nhận đã tiếp nhận trình báo của sư thầy về việc mất trộm 3 con chim khổng tước.
Theo tin tức được báo Tri Thức Trực Tuyến, Vietnamnet đăng tải ngày 28/10, Thiếu tá Nguyễn Nhựt Trường, Trưởng Công an xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết, sáng cùng ngày, sư thầy Thích Tịnh Hòa (chùa Sơn An) đã đến công an xã xin xác nhận mất 3 con chim công (chim khổng tước).
Công an xác nhận sư thầy miền Tây mất trộm 3 chim khổng tước quý hiếm. Ảnh báo Vietnamnet |
Thiếu tá Trường cho hay, vào rạng sáng ngày 22/8, kẻ gian đã đột nhập vào chùa Sơn An và bắt đi 3 con chim khổng tước (2 con trống, 1 con mái). Ngay sau khi nhận tin trình báo, công an xã Thanh Đức đã phối hợp với Công an huyện Long Hồ tiến hành xác minh, xác lập hồ sơ. Bước đầu, xác định kẻ gian đã đột nhập vào chùa Sơn An vào đêm khuya rồi bắt trộm 3 con chim.
Cũng theo Thiếu tá Trường, nhà chùa Sơn An cho hay, trong khuôn viên của chùa có 4 con chim khổng tước. Tuy nhiên bị mất 3 con, hiện còn 1 con. Mỗi con chim khổng tước trị giá khoảng 20 triệu đồng.
Trước đó, vào khoảng 9h ngày 25/10, một con khổng tước không rõ từ đâu bay đến đậu trên mái nhà một nhà dân trên đường Trần Quốc Thảo (quận 3, TP HCM).
Chim khổng tước tại chùa Sơn An. Ảnh báo Vĩnh Long |
Chú khổng tước này có mào cao, màu lông sặc sỡ. Chim cao chừng nửa mét, dài khoảng một mét. Phát hiện chim khổng tước quý hiểm, một số người dân đã leo lên mái nhà để vây bắt nhưng bất thành.
Đến khoảng 12h chim khổng tước đã bay khỏi khu vực.
Đến chiều ngày 26/10, chú chim khổng tước này lại xuất hiện. Nhận được tin báo, nhân viên Thảo Cầm Viên đã đến bắt và đưa về chăm sóc.
Đến ngày 27/10, trụ trì chùa Sơn An (Vĩnh Long) đã đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn khẳng định chú khổng tước vừa được "giải cứu" về là một trong 3 con chim công nuôi tại khuôn viên của chùa bị mất trộm.
Trao đổi với PV VnExpress, ông Thân Văn Nê – Phó giám đốc Xí nghiệp động vật của Thảo Cầm Viên – chim công này thuộc nhóm 1B (động vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Chủ sở hữu muốn nhận lại cần phải chứng minh được nguồn gốc kèm các thủ tục pháp lý theo quy định. Trong trường hợp này, nhà chùa phải có giấy phép nuôi, do Chi cục kiểm lâm Vĩnh Long cấp; giấy chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
H.Yên (tổng hợp)