Thời điểm kết thúc một năm học, đi đâu người ta cũng xôn xao bàn luận về điểm thi. Người lớn thường nói rằng điểm số không quan trọng, quan trọng là kiến thức, thế nhưng thực tế các em học sinh vẫn phải chịu áp lực điểm số.
Đó là khẳng định của chị Thu Hà - một nhà báo hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Là mẹ của hai cô con gái nhỏ đáng yêu – Xu và Sim, chị là người truyền cảm hứng nuôi dạy con tới rất nhiều bậc cha mẹ qua những bài chia sẻ chân thực được viết ra từ những kinh nghiệm nuôi dạy con của mình.
Mới đây, nhân thời điểm mà người người, nhà nhà đang bàn luận về điểm thi, kết quả học tập của con cái, chị Thu Hà đã có bài tâm sự xoay quanh vấn đề này, thu hút hàng nghìn lượt quan tâm trên mạng xã hội.
Chị Hà kể: "Bạn mình vừa tuyên bố sẽ hủy kết bạn ba mẹ nào đăng điểm của con lên Facebook, mình ủng hộ!
Thử hỏi, các ba mẹ có thấy thoải mái không khi có ai đó hỏi thu nhập bao nhiêu? Có thoải mái khi bảng lương của mình được đăng công khai không? Sao người lớn muốn có quyền bí mật lương, mà học sinh lại phải công khai điểm số?
Nhớ lần đi Israel, mình được vào thăm một lớp học. Mình để ý một học sinh ngồi ngay bàn đầu, cô nói riêng với mình rằng đó là một học sinh đặc biệt, chú ý kém, làm bài chậm hơn các bạn nên cô đã cho bạn ấy những bài tập riêng, một lộ trình riêng, dễ hơn so với cả lớp.
Tuy nhiên điều này là bí mật, chỉ có cô giáo biết, thậm chí chính bạn ấy cũng không biết, để bạn ấy không mất tự tin!
Vậy mà ở mình...
Tới hôm nay 2018, vẫn công khai điểm, thậm chí còn dán danh sách toàn trường, còn đăng lên mạng. Cả lớp biết, cả trường biết, cả thế giới ai cũng có thể biết!
"Vài năm nay, Xu Sim được tiếp xúc với giáo viên nước ngoài, về kiến thức mình không dám đánh giá, nhưng lối ứng xử của họ với thi cử và điểm số thì rất khác" - Chị Hà chia sẻ
Xu Sim được học giáo viên nước ngoài, kể: "Không có giáo viên nước ngoài nào giao tập đề cương về nhà làm. Khi thi học sinh có quyền mang tài liệu vào lớp. Nhưng đề bài của thầy chả lần nào có cơ hội giở tài liệu, và cũng chả đủ thời gian mà giở tài liệu.
Thầy nói, kỳ thi cũng có ý nghĩa với thầy. Vì nhìn cách tụi em làm bài và nhìn điểm của tụi em sẽ giúp thầy đánh giá cách dạy của thầy".
Mình lo thầy nói vậy tụi nó ỷ lại, lơ là học hành. Mà không, Xu Sim vẫn học túi bụi. Cuối năm điểm và đánh giá được đưa cho từng học sinh trong phong bì dán kín.
Mình thấy rằng, có những thay đổi phải đợi Bộ trưởng ra quyết định, có những cải cách phải đợi vì kinh phí lớn như mở đường, mở trường, xây thêm phòng học, dãn sỹ số lớp...
Nhưng có những thay đổi tự giáo viên và ba mẹ chúng ta có thể làm được mà, thậm chí làm ngay hôm nay. Ví dụ như tôn trọng quyền riêng tư về điểm số và kết quả học tập".
Đừng "giết" con trẻ bằng việc công khai điểm số vô tri!
Pháp luật quy định rõ, trẻ em có quyền được bảo vệ thông tin, bí mật đời sống riêng tư, quyền bí mật cả về kết quả học tập. Nhưng dường như chúng ta cố tình...quên!
Trên thực tế, Việt Nam là một trong những nước trẻ em chịu áp lực khủng khiếp nhất về học hành và thi cử.
Đó là giờ kiểm tra miệng khi một học sinh bị đưa lên bục giảng trước sự chứng kiến của cả lớp, và điểm số sẽ được thông báo thản nhiên trước sự thán phục hay coi thường của đám đông.
Danh tính của một đứa trẻ được xác định bằng giấy khen và tên trường, giá trị bản thân được định nghĩa bằng những điểm số lẻ tẻ, niềm vui học hành để hiểu biết cô đọng lại bằng nỗi sợ hãi.
Trẻ em có quyền được bảo vệ thông tin, bí mật đời sống riêng tư, quyền bí mật cả về kết quả học tập. (Ảnh minh họa)
Chủ đề này hiện đang nhận được sự quan tâm, bàn luận sôi nổi của dân mạng. Đa số dân mạng đều tán thành việc không nên công khai điểm số của con trẻ.
Nền giáo dục tiên tiến của các nước cũng được đưa ra làm ví dụ để so sánh. Facebook Trang Trinh nói: "Từ khi sang Mỹ học, sướng nhất là không còn cảnh bị công khai điểm số cho mọi người bình phẩm. Điểm là chuyện riêng của mỗi học sinh mà!"
Bạn Vân Nguyễn từ Canada cũng đã viết: "Những thông tin cá nhân của học sinh chỉ có học sinh đó được biết. Không có gọi điểm cả lớp sau giờ kiểm tra. Không có bảng xếp thứ hàng tháng photo thành nhiều bản gửi cho phụ huynh. Không có bàn tán: "Tháng này mày đứng thứ mấy?"
Tóm lại là không có sự so sánh và "thi đua", một khái niệm dường như là cốt lõi của nền giáo dục Việt Nam. Theo luật, giáo viên bắt buộc phải bảo vệ thông tin cá nhân của học sinh.
Ở Canada, cha mẹ và học sinh có quyền phản hồi, đóng góp, thay đổi chương trình học và cả người dạy. Học sinh cuối học kì được phát phiếu đánh giá thầy cô giáo".
Theo chị Thu Hà thì chính các con cũng không thích ba mẹ mình đăng bảng điểm lên mạng: "Kể cả khi bé đạt điểm tốt, có giải thưởng này kia... Nhất là những bé có lòng trắc ẩn với bạn bè, những bé thương bạn, không muốn vì mình mà bạn buồn".
Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đến từ phía phụ huynh và một số thầy cô giáo băn khoăn rằng, nếu không công bố điểm, không gây áp lực, liệu các con có chăm chỉ học tập.
Nói về vấn đề này, chị Thu Hà cho rằng chúng ta đang nhầm lẫn việc giáo dục trẻ thành... huấn luyện thú!
Thậm chí ngay cả với huấn luyện thú, những nghiên cứu cũng cho thấy rằng cổ vũ, yêu thương luôn có hiệu quả hơn đánh phạt!
"Dĩ nhiên, để đánh giá sự tiến bộ của con thì chuỗi điểm số là quan trọng. Mình cũng luôn cố gắng lưu kết quả đánh giá, nhận xét của thầy cô các kỳ trước và cùng con xem lại sau mỗi lần đi họp phụ huynh về.
Và ba mẹ vẫn được biết mình đang ở mức nào, nhưng mà là không bị công khai cho cả lớp biết"
Việc công khai điểm số để ai cũng biết khiến những đứa trẻ phải nếm trải thất bại không khác gì việc đóng cái gông "học sinh điểm kém" ngay từ nhỏ đến suốt đời.
Bậc cha mẹ nào cũng muốn con mình giỏi giang, thành đạt, nhưng trên hết vẫn là các con được hạnh phúc, do vậy đừng đặt quá nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái.
Ngân Hà