“Công ty Liên kết Việt là một trong nhiều công ty kinh doanh đa cấp đã lợi dụng sự ít hiểu biết của người dân dùng thủ đoạn gian dối, quảng cáo sai sự thật để chiếm đoạt tài sản”, Ls. Dũng cho hay.
Ngày 19/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất Thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt), Nguyễn Thị Thủy - Phó tổng giám đốc Công ty Liên kết Việt cùng 5 đồng phạm khác. Các bị can đã bị cơ quan điều tra bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Lê Xuân Giang được xác định là người đứng đầu, lập ra Công ty Liên kết Việt, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP.
Quá trình xác minh, cơ quan công an làm rõ Công ty Liên kết Việt được thành lập từ năm 2010, đến năm 2014 được Bộ Công thương cấp phép kinh doanh đa cấp. Các mặt hàng kinh doanh của công ty Liên kết Việt khá nghèo nàn, chỉ một số máy làm sạch, máy chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng và được thực hiện kinh doanh dưới hình thức bán hàng đa cấp nhằm lừa đảo người tiêu dùng.
Cơ quan công an ước tính đã có khoảng 45.000 người tham gia nộp khoảng 1.900 tỉ đồng vào mạng lưới đa cấp của Công ty Liên kết Việt. Tuy nhiên, đến thời điểm bắt giữ Lê Xuân Giang, số dư trong tài khoản của công ty này chỉ còn 45 tỉ đồng. Đáng chú ý, cơ quan chức năng phát hiện các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe có dấu hiệu làm nhái các sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, nhiều loại giấy tờ bằng khen do Bộ Quốc phòng tặng công ty này cũng được xác định là giả mạo.
Bị can Lê Xuân Giang (mặc quân phục) tại một cuộc hội thảo của Liên kết Việt. |
Trước thông tin về vụ việc PV báo điện tử Người đưa tin đã có cuộc trao đổi luật sư Đinh Quốc Dũng – Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai để làm rõ trách nhiệm pháp lý của công ty cổ phần Liên Kết Việt.
Đưa ra nhận định pháp lý về vụ việc luật sư Đinh Quốc Dũng cho biết: “Hầu hết các công ty kinh doanh theo kiểu đa cấp là chưa được cấp phép và kinh doanh trá hình hoặc lách luật. Chỉ một số được cấp phép nhưng lại kinh doanh không đúng ngành nghề nên vi phạm pháp luật. Hơn nữa kinh doanh mô hình đa cấp chưa được các Cơ quan có thẩm quyền quản lý chặt chẽ nên dẫn tới nhiều rủi ro cho người dân khi tham gia mô hình đa cấp.
Điển hình Công ty Cổ phần Liên kết Thương mại Việt Nam là một trong nhiều Công ty kinh doanh đa cấp đã lợi dụng sự ít hiểu biết của người dân dùng thủ đoạn gian dối, quảng cáo sai sự thật nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Hành vi đó có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung 2009. Theo báo chí đưa tin thì Bộ công an đã khởi tố, bắt tạm giam Lê Xuân Giang - Chủ tịch HĐQT Công ty cùng 5 đồng phạm khác để điều tra về hành vi lừa đảo trên. Cơ quan điều tra sẽ thu thập các chứng cứ để xem xét giá trị tài sản mà các đối tượng đã chiếm đoạt được là bao nhiêu".
Theo luật sư Đinh Quốc Dũng thì trong trường hợp chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Kèm theo đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Ngoài ra còn có thể khởi tố thêm về hành vi kinh doanh trái phép hoặc kinh doanh không đúng với ngành nghề theo Giấy Đăng ký kinh doanh được cấp nếu qua quá trình điều tra Cơ quan điều tra thấy có đủ dấu hiệu tội phạm.
“Ảnh hưởng của mô hình kinh doanh đa cấp gây hậu quả rất lớn đối với người dân và xã hội vì nó biến tướng thành lừa đảo và lan rộng trên phạm vi rất lớn. Ở đây phải nói cũng có một phần trách nhiệm của Cơ quan Nhà nước và một số vị có chức vụ đã vô tình gián tiếp và tiếp tay cho Công ty trên để chiếm đoạt tiền của người dân và làm ảnh hưởng tới uy tín của nhiều tổ chức và lãnh đạo”, luật sư Đinh Quốc Dũng cho biết thêm.
Nhất Phiến