Liên quan đến vụ tài xế xe Lexus tông vào đám tang khiến 4 người chết ở Bình Định, chiếc xe mang biển số 49X - 6666 loại LX570 được xác định do Công ty cổ phần địa ốc, ôtô Phương Trang chi nhánh Đà Lạt đứng tên chủ phương tiện.
Được biết, tài xế lái xe này được xác định là Nguyễn Đức Huyện, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Pisico Bình Định.
Sau vụ tai nạn, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu công ty chủ quản Phương Trang có phải chịu trách nhiệm, trao đổi với PV Tri thức trực tuyến, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết ông Huyện có thể đối mặt với tội danh Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác như làm chết người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% và gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.
Cũng theo luật sư này, trong khoản 2 của Điều 260, phạm tội thuộc một trong các trường hợp như không có giấy phép lái xe theo quy định; lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng thì bị phạt tù 3-10 năm.
Với những quy định như trên, theo luật sư Dũng, ông Huyện có thể chịu mức án cao lên đến 10 năm tù, tùy thuộc vào các tình tiết trong vụ việc.
Còn về việc ông ty Phương Trang là pháp nhân đứng tên phương tiện, theo luật sư Dũng, trong trường hợp Phương Trang là chủ xe thì phải chịu trách nhiệm dân sự về phần bồi thường thiệt hại theo Điều 601 về nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, luật sư Dũng nhận định.
Việc bồi thường thiệt hại như thế nào thì dựa theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại ở Điều 605 Bộ luật Dân sự. Sau đó, Phương Trang có thể yêu cầu tài xế gây tai nạn liên đới bồi thường lại theo trách nhiệm dân sự giữa 2 bên.
Trong trường hợp nếu ông Huyện không phải là tài xế được thuê, mà là người mua lại xe (chưa sang tên) hoặc là người mượn xe đi thì người này phải cùng Công ty Phương Trang liên đới chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định khoản 2 và khoản 3 của Điều 601 Bộ luật dân sự. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 584 và Điều 591 Bộ luật dân sự hiện hành 2015.