Từ ngày 1/1/2017, quy định xử phạt xe chưa sang tên đổi chủ có hiệu lực. Tuy nhiên CSGT sẽ không được phép yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe để kiểm tra và xử phạt xe không chính chủ.
Theo Điều 30 Nghị định 46, từ ngày 1/1/2017, phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000- 400.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô không làm thủ tục đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, tặng, phân bố, điều chuyển, thừa kế tài sản là xe ô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô.
Trả lời PV báo Tiền Phong, thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho hay, việc kiểm tra, xử phạt xe không chính chủ chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ Tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên hoặc thông qua công tác đăng ký xe.
"Cảnh sát không được phép chỉ dừng xe để xử phạt lỗi không chính chủ", thiếu tá Hùng khẳng định.
CSGT không được phép dừng xe để kiểm tra "xe chính chủ". Ảnh minh họa |
Được biết, Cục CSGT- Bộ Công an đã chỉ đạo Phòng CSGT các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục sang tên đổi chủ xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy đã đăng ký, chuyenr nhượng qua nhiều chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng không đẩy đủ từ nay đến ngày 31/12/2016.
Bộ Công an cũng hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ. Đối với trưởng hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu của người đứng trên trong đăng ký và chứng từ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng thì cần làm hồ sơ gồm: Giấy đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký; xác nhận về địa chỉ thường trú cảu người đang sử dụng xe của Công an cấp nơi người đang sử dụng xe thường trú; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ xa; Giấy chứng nhận đăng ký xe.
Trường hợp người đang sử dụng xe có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe cần bổ sung chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký và chứng từ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng.
Theo báo VOV, vào chiều ngày 29/11, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, việc quy định hành vi “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Quy định này cũng phù hợp với Bộ Luật dân sự năm 2015 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017) và các quy định khác của pháp luật có liên quan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu phương tiện đó.
Bộ trưởng cũng khẳng định, việc quy định xử phạt đối với hành vi không làm thủ tục đăng kí sang tên phương tiện hiện nay mới chỉ được thực hiện thông qua công tác điều tra, giải quyết các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên và trong công tác đăng kí xe.
H.Yên (tổng hợp)