Liên quan vụ cụ ông Trần Văn Thêm bị án oan suốt 40 năm, bạn đọc đặt câu hỏi vì sao tòa các cấp Sơ thẩm, Phúc thẩm và Tòa tối cao tuyên y án tử hình nhưng ông Thêm vẫn may mắn có 5 năm chờ minh oan?
Vừa qua, dư luận rúng động trước thông tin cụ ông 81 tuổi chịu án oan tử hình suốt hơn 40 năm nhưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được minh oan. Cụ ông đó tên đầy đủ là Trần Văn Thêm (ở xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh).
Trước đó, ông Thêm được xác định là hung thủ gây ra vụ án giết người, cướp cưa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phú (cũ) vào năm 1970. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông bị tuyên án tử hình vì tội Giết người, Cướp tài sản. Đến tòa cấp Phúc thẩm và Tòa tối cao cũng xét xử y án tử hình đối với ông Thêm. Tuy nhiên, sau khi bị kết án ở cả 3 cấp, ông Thêm vẫn ngồi tù giam tới hơn 5 năm cho tới khi hung thủ thật sự của vụ án lộ diện vào năm 1976.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Luật sư Lê Văn Kiên - Văn phòng Luật sư Ánh Sáng Công Lý cho biết, luật không quy định cụ thể là trong thời hạn bao nhiêu lâu thì bản án tử hình sẽ được thi hành. Vì sau khi tòa Phúc thẩm tuyên án tử hình, trong thời hạn 7 ngày, người bị tuyên án có quyền làm đơn xin giảm án tử hình và gửi lên Chủ tịch nước để xin ân giảm. Khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm thì người bị kết án mới có thể bị thi hành án. Luật cũng không quy định trong thời hạn bao lâu thì Chủ tịch nước phải bác hay chấp đơn xin ân giảm của người bị kết án.
"Bản án tử hình chỉ được thi hành khi không có quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và ý kiến bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước (trong trường hợp người bị kết án xin ân giảm). Do vậy, việc ông Thêm bị tòa các cấp tuyên án tử hình thì điều này không có nghĩa là trong thời hạn nhất định thì ông Thêm phải thi hành án tử hình. Đó là lý do ông vẫn ngồi tù giam vài năm sau khi bị kết án tử" - Luật sư Lê Văn Kiên cho biết.
Cụ thêm bị án oan tử hình suốt hơn 40 năm nhưng vẫn chưa được minh oan. Ảnh: VTV |
Trước đó, vào năm 1970, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phú (cũ) xảy ra một vụ giết người, cướp của. Ông Trần Văn Thêm (trú tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) bị tuyên án tử hình.
Cụ thể, theo hồ sơ vụ án, đêm 23/6/1970, ông Trần Văn Thêm và người em họ tên Văn mua hàng về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phú) thì trời tối nên cả hai vào một chòi cắt tóc ven đường để ngủ. Khoảng 1h sáng ngày hôm sau, khi đang lơ mơ thì ông Thêm thấy choáng váng vì có ai đó dùng vật cứng đập vào đầu ông.
Linh tính có kẻ ra tay sát hại người để cướp của, ông hô hoán kêu cứu. Kẻ lạ mặt sau đó lại tiếp tục dùng vật cứng đập vào đầu ông Văn rồi bỏ chạy. Nghe tiếng kêu của ông Thêm từ trong chòi ven đường, người dân địa phương đã chạy tới. Phát hiện sự việc, họ đưa cả hai anh em ông Thêm vào trạm xá xã Đông Tĩnh sơ cứu rồi sau đó chuyển lên Bệnh viện huyện Tam Dương để cấp cứu. Tuy nhiên, người em họ của ông Thêm sau đó đã tử vong trong quá trình được chuyển đến bệnh viện.
Thời điểm đó, các cơ quan tố tụng ở tỉnh Vĩnh Phú cho rằng, ông Thêm là hung thủ giết chết người em họ tên Văn. Đến tháng 8/1972, TAND tỉnh Vĩnh Phú đã tuyên tử hình ông Thêm. 1 năm sau, tại phiên tòa Phúc thẩm diễn ra vào tháng 8/1973, tòa cấp Phúc thẩm cũng y án Sơ thẩm vì HĐXX cho rằng, đủ căn cứ tuyên tử hình ông Thêm vì tội Giết người, Cướp tài sản.
Sau phán quyết của tòa Phúc thẩm, ông Thêm liên tục kêu oan và kháng án. Năm 1974, Tòa án Nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục phúc thẩm kết tội y án mức án tử hình. Ông tiếp tục kháng án và viết 1 lá đơn bằng máu.
Đến năm 1976, một đối tượng khi bị bắt đã khai là thủ phạm trong vụ án gây ra cái chết của ông Văn và gây thương tích cho ông Thêm. Đêm 30 Tết năm đó, ông Thêm được bác sỹ ở Bộ Công an cấp cho một tờ giấy chứng nhận bị thương để miễn lao động và được về địa phương sinh sống bình thường đến nay. Và tính đến thời điểm được thả ra tù, tổng thời gian ông phải ngồi oan ở trại giam là 5 năm 6 tháng 7 ngày.
Ông Thêm được trả tự do nhưng không được chứng minh mình bị kết án oan. Từ ngày ông vướng lao lý, vợ và 5 người con của ông phải chịu nhiều đàm tiếu của người đời, gặp không ít bi kịch từ câu chuyện lao lý của ông. Năm 2005, TAND tối cao mới nhận được đơn khiếu nại của ông Thêm.
Nhận định về trường hợp của ông Thêm, Phó chánh án TAND tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết, đây là vụ án có một không hai trong lịch sử tố tụng Hình sự Việt Nam. Và sau quá trình nỗ lực tìm kiếm, các cơ sở chứng cứ pháp lý của sự việc đã có. Kết luận chính thức sự việc sẽ được TAND tối cao đưa ra sớm nhất, dự kiến vào đầu tuần sau.
Vũ Đậu