ADN có thể là một mắt xích kết nối những người thân thất lạc lại với nhau, nhưng cũng tạo một cú “sốc” chia rẽ gia đình đang hạnh phúc.
Bi kịch gia đình từ tờ giấy xét nghiệm ADN
Mỗi ngày, tại trung tâm Phát triển ADN & Công nghệ Di truyền xuất hiện cả chục ca xét nghiệm với những câu chuyện khiến “kẻ khóc người cười” khác nhau.
Một ông bố bàng hoàng khi phát hiện các con mình không có đứa nào là con của mình. Một cô gái trẻ “ăn cơm trước kẻng”, bị gia đình nhà trai ép đi chọc ối xét nghiệm ADN mới cho cưới, bất ngờ khi cái thai không phải của chồng sắp cưới. Một cặp sinh đôi có tới hai ông bố sinh học khác nhau, trong khi người mẹ còn không chắc chắn vì vẫn còn một ông bố nữa “thuộc diện tình nghi”.
Ở một trung tâm xét nghiệm ADN khác, PV báo Người Đưa Tin đã được chứng kiến một câu chuyện bi hài.
Một người mẹ đã đưa 2 con trai đi xét nghiệm quan hệ huyết thống, nhận kết quả trên tay, tự mỉm cười hạnh phúc. Chị P.T.M.H. (44 tuổi) đã kể lại với nhân viên thu mẫu tại trung tâm về câu chuyện nực cười của mình.
Chị kết hôn cùng anh N.Q.T. đã nhiều năm không có con, xác định mình hiếm muộn nên năm 37 tuổi, 2 vợ chồng quyết định can thiệp thụ tinh nhân tạo. Hơn 9 tháng sau, cả gia đình cùng hạnh phúc chào đón một bé trai kháu khỉnh.
Mọi chuyện diễn ra trong êm đềm cho tới một ngày, chị biết mình có thai ở tuổi 40. Chị cho biết: “Vợ chồng tôi còn bất ngờ và hoàn toàn không hề có ý định sinh tiếp đứa thứ 2. Khi sinh đứa lớn, tôi đã quá vất vả và tốn kém, nên cả 2 vợ chồng đều gác ý định sinh thêm con qua một bên”.
Nhưng quan niệm của chị con cái là duyên, “chửa thì đẻ”, nên chị vẫn quyết định giữ lại đứa bé đến khi đủ tuần đủ tháng, dù chồng suốt giai đoạn này thường xuyên đi công tác ở nước ngoài tới tận ngày chị gần sinh.
Đứa con trai đầu lòng, chị H. sinh thường, còn đứa thứ 2 là sinh mổ. Chị chia sẻ thêm, xem đó như một dịp đặc biệt: “Đứa bé do chính tay bố nó mổ và bế trên tay ra khỏi phòng hộ sinh”.
Một thời gian trở lại đây, trước mấy lời dèm pha ác ý của hàng xóm, mẹ chồng chị cũng sinh nghi về quan hệ huyết thống với 2 đứa cháu trai. Trong cả họ hàng, hầu như ai cũng tỏ mối nghi ngờ, về chuyện, chị hiếm muộn mà bất ngờ có thai ở tuổi 40.
Chị H. (bên phải) ngồi chờ kết quả xét nghiệm quan hệ huyết thống mẹ - con. |
Nghi ngờ mẹ chồng tráo mẫu xét nghiệm ADN?
Mẹ chồng chị H. bí mật mang mẫu tóc của 2 cháu trai tới một trong những trung tâm xét nghiệm ADN uy tín hàng đầu Hà Nội. Khi kết quả trả về, chỉ có một đứa có quan hệ huyết thống bố con với anh T..
Gia đình chị H. từ đó nổi lên mâu thuẫn, liên tục là những vụ to tiếng, xoay quanh câu chuyện về những đứa trẻ. Mẹ chồng tỏ vẻ không ưa cả 3 mẹ con chị H. ra mặt, đúng kiểu “giận mẹ ghét lây sang con”. Anh T. nhiều bữa nổi nóng, không kiềm chế được, đánh vạ cả đứa con trai tội nghiệp. Bi kịch gia đình khi mâu thuẫn đỉnh điểm, anh T. nói thẳng với chị H. mối ngờ vực bị “cắm sừng” và quyết định ly hôn.
Chị H. hoài nghi, trong lòng đinh ninh một dòng suy nghĩ: Đứa con trai đầu lòng không phải con của anh T. là do trong quá trình can thiệp thụ tinh nhân tạo có thể có nhầm lẫn. Còn đứa trẻ thứ 2, hoàn toàn không thể có nhầm lẫn như bao câu chuyện trên phim ảnh, rằng bệnh viện trao nhầm con với ca sinh cùng giờ. Bởi lẽ, người thực hiện ca mổ năm ấy chính là anh T. chồng chị. Chị cũng luôn khẳng định không hề có mối quan hệ “ngoài luồng” hay làm gì khiến mình phải hổ thẹn với lương tâm.
"Vậy nguyên nhân của kết quả ADN trên là do đâu?", chị H tự đặt câu hỏi. Nghi ngờ mẹ chồng đã tráo mẫu xét nghiệm, chị H. quyết định tự mình tới trung tâm xét nghiệm ADN lại một lần nữa, để lấy lại danh dự và tự trọng.
Nghe nhân viên thu mẫu kể, có những trường hợp hi hữu, trong thụ tinh nhân tạo, con sinh ra không cùng quan hệ huyết thống với cả bố và mẹ, chị H. lại thêm băn khoăn. Chị quyết định làm cả xét nghiệm quan hệ huyết thống mẹ con với 2 cậu con trai.
Cầm kết quả trên tay, chị H. bày tỏ niềm hạnh phúc đến rơi nước mắt: “Bây giờ tôi đã có kết quả xét nghiệm, tôi có thể yên tâm hoàn toàn đây là 2 đứa con của tôi và cũng muốn mang kết quả xét nghiệm này tới cho gia đình nhà nội “sáng mắt ra”. Cho bà nội khỏi phải lén lút chia rẽ. Dù sao 2 vợ chồng tôi cũng đã mỗi người một ngả, chồng tôi sẽ dẫn theo một đứa bay ra nước ngoài, còn tôi sẽ tự mình chăm sóc đứa còn lại”.
Câu chuyện của chị H. nghe qua sẽ thấy xuất hiện mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu xưa nay có, thiếu sự tin tưởng giữa người “đầu ấp tay gối”.
Trung tâm xét nghiệm luôn làm việc nghiêm túc và cẩn thận nhất để có kết quả chính xác. |
Trong suốt những năm làm việc tại trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền, được lắng nghe không biết bao nhiêu tâm sự, ThS. Nguyễn Thị Nga luôn muốn nhắn gửi tới tất cả mọi người một thông điệp: “Hạnh phúc gia đình chỉ có được khi mỗi thành viên trong đó có lối sống lành mạnh, thủy chung, trong sáng. Và, niềm tin yêu giữa mỗi con người với nhau là trọn vẹn. Những con người hạnh phúc này không có những bí mật “chết người” để mà nhờ đến ADN giải mã”.
An Nhiên