Các bác sĩ gắp ra được một cục pin hình tròn, đường kính 1,5 cm, đã hoen gỉ ở các cạnh. Thực quản của bé bị loét sâu, có giả mạc và rớm máu.
Đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi trung ương do biểu hiện duy nhất là ngạt mũi từ 4 ngày không đỡ, gia đình bé M. (2 tuổi, ở Hà Nội) đã tá hỏa khi biết trong thực quản con có một cục pin tròn.
Theo bệnh viện, sau khi thăm khám, bé M. được chụp X- Quang phổi kiểm tra. Kết quả cho thấy có dị vật hình tròn cản quang nằm ở đốt sống ngực.
Tiến sĩ Phan Thị Hiền, Trưởng khoa Nội soi cùng ê-kíp nhanh chóng tiến hành nội soi và phát hiện tại đoạn thực quản trên có hình ảnh dị vật tròn găm vào 2 thành thực quản.
Các bác sĩ gắp ra được một cục pin hình tròn, đường kính 1,5 cm, đã hoen gỉ ở các cạnh. Thực quản cháu bé bị loét sâu, có giả mạc và rớm máu. Sau 24 giờ theo dõi, cháu bé đã hồi phục và được ra viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Lợi, khoa Nội soi, đây là trường hợp có dị vật thực quản bỏ quên khá đặc biệt.
Cục pin tròn găm vào thành thực quản - ảnh Khánh Chi - Viên Nhi Trung ương
BS Lợi chia sẻ: “Dị vật tiêu hóa bỏ quên chúng tôi gặp rất nhiều nhưng dị vật thực quản bỏ quên thì đúng là hiếm gặp. Vì thông thường, các bệnh nhân có dị vật thực quản có các biểu hiện như nôn, nuốt nghẹn, nuốt đau và gần như không ăn uống được gì.
Bệnh nhi này hoàn toàn không có các triệu chứng nêu trên, cháu ăn uống tốt, thậm chí gia đình không hề biết trẻ bị hóc bao giờ và trong hoàn cảnh nào.”
Khoa Nội soi thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ hóc dị vật, tuy nhiên, những ca nuốt phải pin được coi là đặc biệt nguy hiểm.
Theo các bác sĩ, pin tiết ra hóa chất có khả năng ăn mòn cao nên dễ gây loét thực quản, nếu không được phát hiện và gắp ra sớm dị vật này có thể gây viêm, loét, áp xe thành thực quản.
Trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị thủng thực quản, pin di chuyển vào trung thất gây áp xe trung thất, nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng, ảnh hưởng đến tính mạng.
Theo Thiên Lam (Tri thức trực tuyến)