Năm nay dự kiến gần 45% học sinh không có cơ hội học trường công
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra theo hình thức thi tuyển. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung trong hai ngày 10 và 11/6 cho tất cả các trường THPT công lập với 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh đăng ký 1 trong các thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn (thí sinh được đăng ký thi thứ tiếng ngoại ngữ khác với thứ tiếng ngoại ngữ đang học tại trường THCS).
Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Trong đó, đề thi môn Toán và Ngữ văn bảo đảm 4 cấp độ nhận thức gồm: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cấp độ cao. Đề thi môn Ngoại ngữ chủ yếu ở cấp độ nhận biết, thông hiểu và có một số câu ở cấp độ vận dụng.
Thông tin trên Sức khỏe & Đời sống, năm học tới Hà Nội dự kiến có 129.210 học sinh dự thi xét công nhận tốt nghiệp THCS. Trong đó, khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập (chiếm 55,7%, tăng 1.000 em so với năm ngoái), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (23,2%).
Tuyển sinh vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên, chiếm tỉ lệ 7,7%. Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khoảng 17.210 học viên, chiếm tỉ lệ 13,4%.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn, với tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, ngay cả những học sinh có hộ khẩu ở Hà Nội, hệ thống các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của các em. Số còn lại sẽ theo học tại hệ thống trường ngoài công lập và trung tâm giáo dục thường xuyên. Thành phố đang đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng, quy hoạch trường học. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, lộ trình cụ thể.
Năm nay tỉ lệ học sinh Hà Nội được vào lớp 10 công lập chiếm hơn 55%, nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng về sự cạnh tranh khốc liệt đang bày ra trước mắt ở mùa tuyển sinh năm 2023. Theo đó, càng gần kỳ thi, áp lực vào lớp 10 công lập, nhất là khu vực nội thành Hà Nội như đè nặng hơn lên tâm lý của học sinh, phụ huynh.
Chia sẻ với Vietnamnet, chị Nguyễn Thủy ở quận Cầu Giấy chia sẻ, trước thông tin số lượng thí sinh tăng vọt, cơ hội vào trường công thấp kỷ lục, gia đình chị khó khăn hơn khi quyết định chọn cho con đăng ký nguyện vọng là Trường THPT Yên Hòa và Trường THPT Cầu Giấy.
Bởi đây đều là những trường có điểm chuẩn thuộc top cao của quận. Trường THPT Yên Hòa điểm chuẩn năm ngoái là 42,25, trong khi Trường THPT Cầu Giấy là 40,25.
“Con cũng thuộc diện học tốt nhưng sau khi nghe thông tin lượng thí sinh tăng vọt so với năm ngoái, tôi thêm phần lo lắng", chị Thủy nói trong lo âu.
Tương tự, chị Nguyễn Trung Anh (quận Hà Đông) bất bình bởi tỉ lệ vào trường công lập ở Hà Nội ngày càng thấp đi như vậy.
“Mỗi năm ở Hà Nội không biết bao nhiêu chung cư mọc lên. Trong khi mỗi toà nhà chung cư có số dân tương ứng với 1 xã, phường nhưng không có trường nào được xây dựng lên tương ứng nên cảnh mới xảy ra tình trạng này”.
Không ít phụ huynh đồng quan điểm để có một suất vào trường công ở Hà Nội thật khổ sở. Chung cư, cao ốc “mọc như nấm sau mưa” nhưng trường học thiếu thốn, chẳng được quan tâm đúng mức.
Trước áp lực trường công, nhiều phụ huynh cũng xác định cho con học trường tư. Nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện tài chính để đưa ra quyết định dễ dàng như vậy, dù nhận thức rằng không phải trường tư là chất lượng kém hơn công.
"Cuộc đua"vào lớp 10 tại Hà Nội căng thẳng: Chuyên gia có nhận định gì?
Trao đổi với báo Tiền Phong, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói rằng, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội nhiều năm qua đang gây áp lực rất lớn cho phụ huynh, học sinh. Nguyên nhân là do thiếu trường THPT công lập nên các em phải chạy đua học, luyện thi căng thẳng để giành tấm vé học lên THPT.
PGS Nam nhấn mạnh chủ trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc THCS là đúng đắn, tuy nhiên cơ quan quản lý phải có tầm nhìn, không nên đặt ra quy định cứng 30 hay 35% em học nghề cho tất cả các vùng khó khăn, thuận lợi như nhau. Sở dĩ, Hà Nội và TPHCM là những vùng có điều kiện giáo dục thuận lợi, phụ huynh muốn đầu tư cho giáo dục, cho con học tiếp lên THPT, cần phải có dịch vụ công về trường học tương xứng. Trong khi thực tế hiện nay, ở Hà Nội, học sinh số lượng đông và tăng nhưng thành phố không quy hoạch xây trường, lớp đáp ứng nhu cầu học tập. “Vấn đề phân luồng, định hướng nghề nghiệp chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm thực hiện một cách mơ màng, có định kiến em nào học kém thì đi học nghề. Như vậy, phụ huynh hiểu ra, ở trường nghề, Trung tâm GDTX chỉ tập trung những em năng lực kém, môi trường giáo dục không tốt và không nên cho con vào vì sợ bị ảnh hưởng. Trong khi hướng nghiệp cần có 3 thành tố gồm: cung cấp kiến thức về nghề nghiệp, các tấm gương đã học và thành công; tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm thực tế về các nghề và cuối cùng là dựa trên năng lực học sinh để tư vấn hướng nghiệp”, ông Nam nói.
PGS Nam cho rằng, Hà Nội cần có tầm nhìn quy hoạch trường lớp, tăng tỉ lệ học sinh vào trường THPT công lập dựa trên cơ sở hạ tầng thuận lợi. Nếu vùng nội đô quỹ đất khó khăn, có thể xây trường ở xa hơn và tiến tới quy hoạch hạ tầng thuận lợi, học sinh THPT có thể đi học bằng xe buýt. Đồng thời làm tốt công tác hướng nghiệp từ THCS, nâng cao chất lượng các trường đào tạo nghề. Các trường nghề chỉ hút được học sinh khi phụ huynh tin rằng, làm thợ cũng có công việc, thu nhập tốt.
Trong khi đó, TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cũng cho rằng, ở thành phố phát triển như Hà Nội, hạn chế tỉ lệ học sinh vào lớp 10 THPT công lập chỉ hơn 55% là quá thấp. Học sinh có thể học ở các trường ngoài công lập nhưng đa số người dân đang chật vật với cơm áo gạo tiền, nghẹt thở vì tiền học chính, học thêm.
Theo TS Dong, cần phải tạo điều kiện để học sinh yên tâm học tập và tự quyết định hướng đi của mình. Học tiếp THPT hay học nghề phải là sự lựa chọn của học sinh và gia đình thay vì “định hướng ép buộc” rằng, năng lực này không thi đỗ THPT công lập, buộc phải đi học nghề. Với cách làm đó, sẽ tạo ra định kiến, ai dốt sẽ phải đi học nghề. “Các nước tiên tiến có tư duy rõ ràng, định hướng nghề dựa trên năng lực nổi trội của từng em. Cơ quan quản lý cần có trách nhiệm đảm bảo trường, lớp để học sinh được đến trường một cách công bằng, không phải đẩy một tỉ lệ ra ngoài công lập”, ông Dong nói.
Lịch thi chính thức vào lớp 10 công lập Hà Nội Kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội sẽ được tổ chức 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ trong thời gian 2 ngày từ 10-11/6 tới. Cụ thể, sáng 10/6, học sinh sẽ thi môn Ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2. Buổi chiều, học sinh thi môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút. Bài thi chấm theo thang điểm 10, hệ số 1. Đối với bài thi môn Ngoại ngữ, thí sinh chọn một trong các thứ tiếng như: Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn. Thí sinh được đăng ký thi ngoại ngữ khác với tiếng đang học tại trường THCS. Sáng ngày 11/6, học sinh thi môn Toán, thời gian làm bài 120 phút. Bài thi được chấm theo thang điểm 10, nhân hệ số 2. Trước đó, Văn phòng UBND thành phố bất ngờ tổ chức khảo sát, lấy ý kiến trực tuyến về số môn thi vào lớp 10 công lập. Hai lựa chọn được đưa ra gồm thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hoặc thêm môn thứ tư. Sau khi chọn một trong hai phương án, người được hỏi có thể đưa ra ý kiến khác (nếu có). Theo kết quả được cơ quan này công bố tối 20/2, trong số người tham gia khảo sát, cơ bản chọn phương án thi ba môn. |