"Lúc đó Công Phượng thi đấu kém và chiều cao không đủ, vì vậy rất khó để CLB dám nhận cầu thủ này", Văn Hào chia sẻ.
Sau khi đọc bài báo "SLNA lên tiếng chuyện loại Công Phượng", một độc giả đã liên hệ với báo chí với mong muốn kể lại câu chuyện ngày anh thi đầu vào cùng Công Phượng. Anh hi vọng ấn tượng của mình về Phượng trong những ngày đầu, về quá trình ăn ngủ, tập luyện vất vả ở đội trẻ SLNA sẽ giúp mọi người không quá khắt khe với đội bóng, khi đã bỏ qua một thần đồng như Công Phượng.
Kỳ thi sát hạch khắc nghiệt
Nhận mình là người được lựa chọn và dẫn dắt trong đội bóng quê nhà, Hà Văn Hào, sinh năm 1994, cho biết mình từng tập luyện tại lò đào tạo khóa 2007-2010.
Văn Hào kể, vào giữa năm 2007, SLNA ra thông báo tuyển quân các lứa cầu thủ sinh năm 1993, 1994. Kỳ thi sát hạch đầu vào là yếu tố tiên quyết cho một người có được đi tiếp vào các vòng sau hay không. Bài kiểm tra sát hạch bao gồm bật cao, bật xa, thi đấu đối kháng... Về ngoại hình, lúc đó CLB chỉ chọn đại trà, chiều cao yêu cầu khoảng 1m60: “Cũng có người vào chỉ tầm 1m50 thôi nhưng sau này còn cao nữa vì đang trong độ tuổi phát triển. Tuy nhiên, có người tầm 1m60 nhưng mãi vẫn ở mức đó. Và lý do cho việc chọn cầu thủ này sẽ là khả năng chơi bóng”. Hào tâm sự, anh cũng thuộc nhóm có chiều cao khiêm tốn nhất so với các bạn cùng lứa tuổi trong đội lúc đó.
Văn Hào (giữa) trong một trận bóng cấp huyện. Ảnh: FBNV
Tháng 7/2009 là kỳ thi tuyển, người trúng tuyển sẽ có giấy báo và đến thành phố Vinh tập trung, sau đó được huấn luyện trong vòng 1 tháng. Trong tháng đó, người nhà sẽ cung cấp tiền ăn cho các cầu thủ. Qua vòng này, thí sinh sẽ nhận được giấy báo, tháng 12 xuống nhập học và được đào tạo tại CLB.
“Thời điểm đó chỉ tuyển U13, U14 nhưng có hai người sinh năm 1995 được tập luyện trước và được thi đấu cọ xát nhiều là Hồ Tuấn Tài và Nguyễn Viết Nguyên. Hai cầu thủ này sinh năm 1995 nhưng được tập luyện cùng 1993”, Hào kể.
Các bài tập kỹ thuật chủ yếu là tâng bóng, chuyền bóng và thi đấu đối kháng. Các cầu thủ trẻ sẽ được vào tập luyện và sàng lọc 1 năm 1 lần. Ai không đủ khả năng được cho nghỉ để về học văn hóa.
Theo Hào, kỳ sát hạch không phân biệt chuyện con ông cháu cha hay người quen, mà cách nhìn người của HLV và nhận định khả năng phát triển tương lai mới là yếu tố quyết định tuyển chọn cầu thủ. Hào chia sẻ thêm: “Vào đó không phải ai cũng thành công, khóa trước mình mỗi lớp chỉ 1-2 cầu thủ thành công”.
Vì sao SLNA không chọn Công Phượng?
Khi nhắc đến Công Phượng - người cùng dự kỳ thi tuyển đầu vào năm đó - Hào cho rằng mình có thể lý giải nguyên nhân tuột mất cơ hội vào đội bóng quê hương của cầu thủ trẻ này. Anh nói mọi người đã trách lầm SLNA khi loại Công Phượng, bởi ai ở trong thời điểm đó mới hiểu cho quyết định của CLB xứ Nghệ.
Hào thấy vô lý khi hiện tại ai cũng trách SLNA, trong khi lúc đó Công Phượng thi đấu kém và chiều cao không đủ. Vì vậy rất khó để CLB dám nhận cầu thủ này khi kinh tế khó khăn, đưa học viên vào đã là khó, việc nuôi ăn ở cũng không hề dễ dàng.
Công Phượng thời điểm đó được đánh giá yếu về thể lực.
Hơn nữa, theo Hào, việc không đưa Công Phượng vào là vì SLNA không phát triển được các mô hình khác nhau. Cộng với ngân sách eo hẹp của đội bóng, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ nên khó phát triển được hình thể của các cầu thủ vốn đã gầy còm, nhỏ con. “Bây giờ, Phượng cao 1m68, chứng tỏ ngày bé cậu ấy cũng không quá to cao. Vì thế không ai nhận ra được tiềm năng, trách SLNA làm gì”, Hào bộc bạch.
Lý do cho việc CLB để tuột mất tiềm năng này, Hào cho biết thêm, lúc đó ai cũng là học sinh và có đầy đủ những kỹ năng cần thiết của bài sát hạch bóng đá, nên cũng khó nhìn nhận ra Công Phượng ngay từ đầu.
Nói về U19 Việt Nam, Hào chia sẻ, anh “kết” nhất là Tuấn Anh, bởi khả năng đánh chặn và phát động tấn công.
“Nhìn chung, U19 mạnh ở hàng công và tuyến giữa khi có sự cơ động của Tuấn Anh và Công Phượng. Hàng thủ công tốt nhưng yếu tố thể lực, tốc độ làm giảm khả năng phòng thủ, chứ thực sự ai đá cũng hay”, Hào phân tích.
Ngày tháng khổ luyện tại CLB SLNA
Từ lúc nhận được tin báo trúng tuyển vào tháng 12/2007, Hào tâm sự, sự nghiệp học hành và ăn ngủ với trái bóng tròn của anh mới thực sự bắt đầu. Đó là khi anh rong ruổi cùng SLNA trên những sân tập khác nhau và cơ hội được thử sức với giải bóng đá U15.
Anh kể, lúc đó chưa có nhà ở, CLB vừa xây xong nhà cho đội trẻ nên lứa U13, U14 của SLNA khi đó phải thuê phía sau nhà thi đấu tỉnh cho đội trẻ ở. Chỉ có những học sinh ở xa mới ở nội trú, còn lại, CLB sẽ tạo điều kiện để ở ngoại trú.
Hào nhớ lại, nhà ở khi đó thường bị dột. Nhà ăn đan xen một bên nhà ở cấp 4, chỉ cần mưa là nước đã đến bậc thang. “Hầu như tất cả các học viên trẻ hay đội 1 khi xuống đều bị ghẻ nước, không ai là không bị”. Nhà ở cấp 4 khi đó có 4 phòng, Hào không ở đó mà chỉ có lứa U15, U17, U19 được ở.
Tới năm 2010, CLB xây xong nhà ở cho đội trẻ, khi đó cả đội mới chuyển lên nhà mới. Thời điểm này dù chưa xây xong nhưng do các cầu thủ bị mất đồ quá nhiều nên CLB quyết định để mọi người chuyển chỗ sớm.
Các cầu thủ trẻ được học văn hóa tại các trường học trong TP.Vinh, giờ giấc sinh hoạt và luyện tập nghiêm khắc như kỷ luật quân đội. Điều kiện ăn ở, học tập của thế hệ sau này tốt hơn nhiều so với thời điểm của Văn Hào. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chia sẻ về lịch sinh hoạt ở CLB, Hào cho biết, cứ 2 tuần, cầu thủ được về nhà 1 lần, tuy vậy, những học viên ở xa thường hạn chế thăm nhà do đi lại tốn kém. Hào tâm sự, các cầu thủ chỉ thiếu sự chăm sóc của bố mẹ nhưng bù lại các bạn được theo đuổi sự đam mê.
Trong quá trình luyện tập tại SLNA, các cầu thủ được đi học ở phường Cửa Nam hoặc phường Quang Trung. Khi lên cấp 3 thì học tại trường THPT Hữu Nghị thuộc TP. Vinh.
Thời khóa biểu của mỗi người lúc này là sáng đi học, chiều đi tập, tối về học tới 21h mới được đi ăn đêm. Nếu không học thì các cầu thủ cũng phải ở trong phòng từ 7h - 21h. Thứ bảy, tất cả đều được đi chơi nhưng phải có mặt lúc 21h để điểm danh.
Tùy theo lịch thời khóa biểu tập, các cầu thủ có thể tập lúc 1h, 3h có khi là 6h chiều, do có nhiều lớp của các khóa khác nhau.
Về thực đơn cho các cầu thủ, Hào cho biết, bữa ăn buổi sáng là 7.000 đồng, trưa 12.000 đồng và tối cũng như vậy. Phụ cấp tháng là 110.000 đồng. Sau 1 năm được tăng lên thành 10.000 đồng bữa sáng, trưa và tối thành 15.000 đồng. Phụ cấp thành 300.000 đồng/tháng. “Ăn uống thì bình thường, không đến mức đói, cơm ăn vẫn no, chế độ ăn lúc đó cũng như ở nhà quê nghèo. Ngày Tết, các cầu thủ được thưởng và nhận tiền về mua quà Tết”.
Hào cũng từng đá cho đội trẻ Ninh Bình, nhưng anh thấy có điểm khác so với SLNA: "Buổi sáng có thêm sữa, ăn sáng được đưa tận nơi, ăn cơm cùng đội 1".
“Ở SLNA nhiều bữa cơm sống là chuyện bình thường nên ăn nhiều cũng quen, khi mọi người vào biên chế thì ai cũng như nhau, không phân biệt vào trước hay sau”, Hào chia sẻ thêm.
Chế độ tập luyện hà khắc và kham khổ là vậy, nhưng Hào luôn cảm thấy rất hạnh phúc khi là thành viên của đội bóng mà anh yêu thích.Với Hào, khi được đá bóng ở SLNA, bạn bè và lớp đàn anh đều vui mừng thay cho anh nên Hào không cảm thấy có gì khó khăn, vất vả.
Hào học cùng khóa với Võ Ngọc Đức, nhưng chỉ có Đức là thành công, còn các cầu thủ khác khi nghỉ, mỗi người làm một công việc khác nhau. Anh tâm sự, cùng trang lứa với nhau nên ai thành công thì anh đều rất mừng, bởi tất cả đều khổ luyện mới thành tài.
“Cầu thủ ai cũng chơi bằng đam mê, nhưng ở SLNA thì đá bóng được thừa hưởng từ quê nghèo, chân đất đá bóng trên sân đá hay xi măng nên chân cứng, vào bóng mãnh liệt, những điều này có được từ lúc các cầu thủ còn nhỏ”, anh nhấn mạnh.
Hào cũng cảm ơn SLNA - nơi đã hun đúc cho mình nhiều điều, phát triển nhiều kỹ năng và tinh thần đồng đội trong học tập và rèn luyện.