Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, đã có trường hợp bị ép uống say, rồi sáng hôm sau đột tử. Vì vậy phải quy định “cấm ép” uống rượu, bia dưới mọi hình thức, mọi độ tuổi chứ không phải chỉ dưới 18 tuổi.
ĐB Trần Thị Phương Hoa - đoàn ĐBQH TP Hà Nội. Ảnh: Báo Giao thông |
Sáng nay (16/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Qua phiên thảo luận đầu tiên tại tổ, dự án luật này vẫn nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương đánh giá cao những nỗ lực và tâm huyết của Bộ Y tế trong việc soạn thảo luật.
Theo GS Nguyễn Anh Trí, việc ban hành luật này là cần thiết, vì rượu bia trong khoảng một thập kỷ qua đã gây nhiều tác hại trong đời sống sức khỏe, đạo đức xã hội... Luật sẽ thể chế các Chính sách nhằm giảm hậu quả do sử dụng rượu bia gây ra, góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Đồng thời khắc phục những khoảng trống của pháp luật về phòng chống tác hại rượu, bia hiện nay.
Tuy vậy, ông Trí đánh giá tên gọi ban soạn thảo trình “rất kinh khủng”, 2 năm trời “nâng lên đặt xuống”, và nếu gọi như vậy chẳng khác nào khẳng định rượu, bia toàn có hại trong khi dùng đúng liều lượng sẽ rất tốt.
Ông đề nghị luật phải quản lý tất cả những gì có thể gây hại cả trực tiếp và gián tiếp, từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, tiêu thụ, nhưng “đừng khai tử” việc sản xuất rượu, bia đúng quy định.
"Cần xây dựng Luật hài hòa giữa các khía cạnh như hạn chế sự lạm dụng rượu, bia; các biện pháp ngăn chặn những người lạm dụng rượu, bia không được gây ra những hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài xử lý nghiệm minh những hành vi này. Mặt khác, phải quản lý được nguồn gốc, xuất xứ của rượu, bia, đề ra những quy định tiêu chuẩn cụ thể để sản xuất rượu, bia an toàn; tạo sự văn minh trong sử dụng rượu, bia", trên TTXVN dẫn lời đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.
Về quy định cấm quảng cáo rượu, bia, theo quan điểm của đại biểu Nguyễn Anh Trí, không nên quảng cáo tràn lan bừa bãi, nói quá về rượu, bia nhưng cũng không nên cấm vì cần có sự bình đẳng giữa các sản phẩm trong thương mại.
“Tôi còn mơ ước Việt Nam sẽ xuất hiện một vài loại rượu nổi tiếng thế giới mà đi qua đây kiểu gì người ta cũng phải mua mang về. Vì vậy, luật này không phải cấm, mà là kiểm soát và làm cho cái tốt nhân rộng lên”, trên Báo Giao thông dẫn lời ông Trí nêu quan điểm.
Trước đó, trong phiên thảo luận chiều 12/11 vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu đã đề nghị Luật có quy định cấm ép uống rượu bia với mọi lứa tuổi chứ không riêng trẻ vị thành niên.
Theo đại biểu Lâm Đình Thắng (TP.Hồ Chí Minh), Phó Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, phạm vi dự thảo luật hiện nay chỉ quy định cấm ép người dưới 18 tuổi, cần mở rộng hơn bởi thực tế có nhiều trường hợp người trên 18 tuổi bị ép uống rượu bia và rơi vào tình thế buộc phải uống.
"Văn hoá của Việt Nam là trọng tình nghĩa, nhiều người không thực sự muốn sử dụng rượu, bia nhưng rơi vào tình thế bị ép uống. Ví dụ như một sinh viên mới ra trường, mới đi làm anh chị em trong cơ quan mời cốc bia, không uống thì bị cho là không nhiệt tình; hoặc thanh niên khi đi tiếp khách thì bị ép uống không cách nào tránh được, đến mức mật xanh mật vàng”, ông Lâm Đình Thắng dẫn chứng.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tán thành với tên gọi luật như Chính phủ trình bởi “rất có lý”. Theo bà, rượu, bia có mặt lợi và có mặt hại, và ở đây cần phải hiểu là phòng chống tác hại, chứ không ai hạn chế cái lợi, cũng không phải cấm uống rượu, bia.
“Thế nào là phòng, thế nào là chống, cần cụ thể hơn. Phải quy định cấm ép uống rượu bia trên mọi lứa tuổi. Người trên 18 tuổi ép nhau uống, hay thanh niên ép cụ già, đàn ông ép phụ nữ, đồng nghiệp ép đồng nghiệp uống thì sao? Đã có trường hợp bị ép uống say, rồi sáng hôm sau đột tử”, bà Trần Thị Phương Hoa nêu thực tế.
Đây là kỳ họp đầu tiên Quốc hội thảo luận về dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Dự kiến luật này sẽ tiếp tục được thảo luận ở các kỳ họp tiếp theo.