Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) đã nói thẳng như thế tại buổi góp ý tại tổ về báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội.
Theo tin tức từ VOV, Tuổi trẻ, Người lao động và một số báo khác đưa, sáng ngày 23/3, các đại biểu làm việc tại tổ thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC và Tổng kiểm toán Nhà nước.
Tại buổi góp ý tại tổ, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, đáng lẽ từng đại biểu phải thể hiện được tính dân biểu của mình "Nhiều ĐB vẫn phát biểu kiểu “xếp hàng”, nhiều vấn đề gai góc, nổi cộm chưa làm rõ. Nhiều ĐB nói khơi vấn đề rồi để đấy, mà không đeo bám vấn đề tới cùng. Tính tranh luận tại nghị trường chưa tới cùng", Infornet trích lời ông Đương nói.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh Internet |
Đối với hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương nhìn nhận, hoạt động giám sát còn nặng về nghe báo cáo, xét báo cáo, hơn là thẩm tra hoạt động thực tế.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương cho rằng: “Cứ dựa vào báo cáo lại đánh giá về câu chữ, rất chung chung, chứ không nêu lên được “bệnh tật” của nền kinh tế. Chừng mực nào đó, nhiều đại biểu phát biểu “vuốt ve” nhiều quá. Cơ thể ốm yếu phải chỉ ra bệnh gì, chứ cứ nói một chiều thì tính phản biện và dân biểu không cao”, Infornet trích lời ông Đương nói.
Đại biểu Đương cũng cho rằng chất lượng đại biểu cũng cần phải xem xét: "Có phải cứ học Đại học, tiến sĩ sẽ là ĐB? Tiến sĩ giấy bây giờ nhiều lắm”.
“Cứ chuẩn bị tới kỳ bầu cử lại có chuyện thăng hàm Vụ phó lên Vụ trưởng rồi cứ thế mà đề cử lên. Cứ làm như vậy thì chết. Nhiều đồng chí nói rất hay, nhưng đi vào bảo viết về một quy phạm pháp luật, báo cáo thì không làm được”, Infornet dẫn lời ông Đương nêu.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng) cho rằng, mặc dù báo cáo đánh giá đại biểu chuyên trách ngày càng đóng vai trò trụ cột, tuy nhiên, theo ông Huỳnh Nghĩa, còn nhiều đại biểu “chuyên trách không ra chuyên trách”.
“Phát biểu trước Quốc hội không ra chuyên trách, nhiều anh phát biểu mà tôi phát chán lên. không nghiên cứu sâu, có lẽ phát biểu để lên truyền hình. Phải chọn lựa người có đức, tài tâm vì anh dành 100% thời gian 100% cho Quốc hội cơ mà. Đây là trách nhiệm của Thường vụ, của anh công tác đại biểu”, VOV dẫn lời ông Nghĩa nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn đại biểu Hà Nội), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH bày tỏ: “Tổng kết nhiệm kỳ của QH cũng không có đánh giá nào về hoạt động cụ thể của đại biểu ĐBQH. Vì vậy, ĐBQH làm tốt, trăn trở, nỗ lực cố gắng cũng giống như ĐBQH cả kỳ chẳng có hoạt động gì đáng kể. Đó là điều làm tôi đau xót”.
Theo đại biểu Quyền thì Quốc hội khóa tới cần phải chọn được người thực sự có năng lực, trách nhiệm và tâm huyết với đất nước, nhân dân.
"Tôi nhớ rất nhiều các báo cáo tổng kết của các khóa QH đều có một câu là QH ngày càng vươn lên để làm tròn trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ của mình trước nhân dân theo Hiến pháp, pháp luật quy định. Vậy là QH chưa bao giờ làm tròn cả, đầy đủ cả. Thành tựu thì đúng là nhiều, song cũng còn quá nhiều việc chưa làm được hoặc cần nỗ lực hơn để làm tròn nhiệm vụ của mình”, Người lao động trích lời ông Quyền nói.
Cũng tại buổi thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn đại biểu Đồng Nai) cho rằng, việc đánh giá báo cáo này không chỉ trong quá trình 5 năm mà nên trọn vẹn 10 năm theo hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đây có thể coi là giai đoạn bước ngoặt từ đổi mới trong nước đến các tiến trình hội nhập, mà khởi đầu bằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
“Chúng ta có thể thấy sự năng nổ, dấn thân nhưng cũng không ít những yếu tố mang tính phiêu lưu. Những điều này đã dẫn đến hậu quả khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng với hàng loạt sự việc như Vinashin, Vinalines, bô xít… Cho nên ở 5 năm của nhiệm kỳ thứ 2 là việc khắc phục những hậu quả này”, VnExpress dẫn lời đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
K. Duy (tổng hợp)