Vị Đại tướng gắn liền với các chiến trường
Nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong hai trường hợp được thăng hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng vào năm 1974 và người còn lại là cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, cả cuộc đời của cố Đại tướng Lê Đức Anh gắn với con đường binh nghiệp và các chiến trường, đặc biệt những nơi khó khăn, ác liệt nhất.
Đồng thời, cuộc đời ông cũng gắn liền với các quyết định mang tính chất táo bạo, cương quyết, thể hiện tầm nhìn chiến lược.
Đại tướng Phạm Văn Trà nhớ lại, sau thời gian giữ làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Việc đầu tiên trên cương vị mới, năm 1987, Đại tướng Lê Đức Anh đã đi thị sát dọc vùng biên giới sáu tỉnh phía Bắc nơi đang có chiến sự rất ác liệt giữa ta với Trung Quốc.
Tại Hà Giang, Đại tướng Lê Đức Anh đã lên nửa tháng, trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình tại các khu vực trọng yếu, trong đó có mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).
"Sau khi đi thị sát về, Đại tướng Lê Đức Anh đã gọi các Tư lệnh Quân khu, trong đó, tôi là Tư lệnh Quân khu 3 lúc đó lên và nói rằng, nếu cứ đánh thế này không được. Chúng ta bắn 1 phát địch bắn 2 phát, thương vong kéo dài, không giải quyết được cục diện chiến trường. Do vậy, anh yêu cầu chúng tôi tính lại", Đại tướng Phạm Văn Trà nói.
Đại tướng Phạm Văn Trà kể thêm, khi đó, Đại tướng Lê Đức Anh nêu rõ quan điểm Trung Quốc là nước lớn, lại có công giúp chúng ta đánh Pháp, đánh Mỹ nên Việt Nam phải xử sự thế nào để ổn định tình hình.
"Anh đề nghị khi bắn pháo sang, chúng ta nên bắn pháo truyền đơn với nội dung trong đó, cần nói rõ nhân dân Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ và mục đích truyền đơn đưa sang cần nhằm làm hòa dịu tình hình.
Tuy có một số phân vân nhưng việc này đã được thực hiện và quả nhiên, sau một thời gian bắn truyền đơn sang, bên kia đã không bắn pháo sang nữa và tình hình ổn dần.
Tiếp đó, Đại tướng Lê Đức Anh tiếp tục chỉ đạo cho rút quân khỏi các cứ điểm quan trọng và đưa dân trở lại sinh sống.
Khi quân đội rút xuống một thời gian sau, hai bên hòa hoãn dần và ngồi lại để giải quyết vấn đề biên giới giữa 2 nước.
Sau này, khi nhìn lại mới thấy quyết định của anh mang tầm chiến lược, táo bạo và có thể nói có một không hai nhưng rất sáng suốt, đúng đắn. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, công của Đại tướng Lê Đức Anh rất lớn", Đại tướng Phạm Văn Trà nhận định.
Quyết định bản lĩnh của vị chỉ huy dày dạn kinh nghiệm
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam đánh giá, sau này khi tổng kết lại mới thấy rõ, việc giữa lúc biên giới phía Bắc đang căng thẳng mà Đại tướng Lê Đức Anh trong chuyến thị sát năm 1987 quyết định bộ đội chủ lực lùi xuống là sáng suốt.
Ông kể lại, vào năm 1987, Đại tướng Lê Đức Anh lên thị sát chiến trường ở Quân khu 2. Tình hình lúc đó giữa ta và Trung Quốc đang căng thẳng, đặc biệt ở Vị Xuyên, Hà Giang chiến sự diễn ra ác liệt.
Lúc đó, tướng Khám đang là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 316 (Quân đoàn 29, Quân khu 2).
Quân đoàn 29 có nhiệm vụ hướng phòng ngự ở Hoàng Liên Sơn (nay tách thành 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái, chủ yếu phòng ngự ở Lào Cai). Đây là hướng phòng ngự chủ yếu của Quân khu 2. Hướng phòng ngự này rất căng thẳng.
"Sau khi đi thị sát trực tiếp mặt trận tại khu vực tiền duyên là chiến hào thứ nhất giữa ta và địch, Đại tướng Lê Đức Anh đã nói, nếu ta áp sát biên giới, phía đối phương áp sát biên giới, lúc nào cũng gây căng thẳng.
Nay chúng ta cứ rút quân xuống trước và tôi đảm bảo, đây là chủ trương đúng, sẽ về báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Chúng tôi lúc đó, nghe thấy rất phân vân nhưng Đại tướng Lê Đức Anh không nói nhiều mà lấy trách nhiệm ra đảm bảo cho quyết định đó là đúng. Sau ông cũng nói thêm một số vấn đề bố trí lại thế trận", Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm kể.
Cùng với rút quân, theo tướng Khảm, Đại tướng Lê Đức Anh đã đề nghị với Quân khu 2 và Quân đoàn 29 làm việc với chính quyền địa phương vận động đưa nhân dân trở lại sinh sống khu vực biên giới. Bên cạnh đó, dừng làm vật cản quân sự (gài mìn), chuyển rà phá mìn.
Theo tướng Khảm, khi Quân đoàn 29 lùi xuống phía sau, tình hình biên giới dần dần dịu xuống không còn căng thẳng như trước. Người dân nghe vận động và thấy quân đội rút cũng trở lại sinh sống bình thường.
"Sau này chúng tôi mới thấy, nếu cứ để bộ đội ở trên tuyến đầu sẽ khiến tình hình lúc nào cũng nóng bỏng, cán bộ, chiến sĩ căng thẳng, mệt mỏi. Quân đội không được huấn luyện nhiều, không xây dựng được chính quy cũng như đảm bảo đời sống, tinh thần của bộ đội.
Việc cho bộ đội chủ lực lùi lại như quyết định của Đại tướng Lê Đức Anh là cơ hội để quân đội chỉnh đốn lại lực lượng", Trung tướng Khám chia sẻ và nhấn mạnh, quyết định sáng suốt, đúng đắn đó xuất phát từ sự nhạy bén, bản lĩnh của người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, kết hợp với việc thị sát chiến trường, kiểm tra các đơn vị chiến đấu.